Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mái ấm yêu thương của trẻ em khuyết tật

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những khiếm khuyết về thân thể, về trí tuệ dẫu khó được chữa lành, nhưng bù lại, dưới mái nhà chung là Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, cơ hội để hòa nhập cộng đồng cùng những ước mơ, khát vọng của trẻ em kém may mắn được vun đắp, dựng xây.

Những lớp học đặc biệt

Nguyễn Văn Việt (10 tuổi) đang là học sinh của lớp khó khăn 2 - Tổ khó khăn về học ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. Em mắc chứng tự kỷ, ít giao tiếp và không có kỷ luật, chỉ làm theo ý thích của riêng mình. Sau 2 tháng được học tại Trung tâm, Việt đã có tiến bộ đáng kể.

“Nay biết đứng lên vòng chào cô rồi, vui nhất là hôm tổng kết, thấy mình mặc áo dài, tự dưng em ấy khen: “Cô Phương đẹp quá!” thì bất ngờ lắm, vì trước giờ toàn thấy lườm với nguýt người khác thôi”, cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương (32 tuổi) - Tổ trưởng Tổ khó khăn về học, cười hạnh phúc.

Nguyễn Trung Tâm rất thích hát và dạn dĩ khi gặp người lạ.
Nguyễn Trung Tâm rất thích hát và dạn dĩ khi gặp người lạ.

Thấy khách đến, Nguyễn Trung Tâm (10 tuổi) - Một học sinh khác trong lớp chạy đến làm quen. Với ánh mắt bừng sáng, Tâm líu lo: “Em xin hát tặng bài “Em là con ngoan”. Vỗ tay nào!”.

Cô Phương bảo, Tâm bị tăng động, rất khó dạy nhưng thích hát lắm, bài hát nào cũng biết, cũng thuộc. Bây giờ Tâm còn làm được toán, đọc được chữ.

Lớp khó khăn 2 do cô Phương phụ trách có 10 em khuyết tật trí tuệ ở độ tuổi 7-14, em thì mắc chứng tăng động, có em lại ít giao tiếp, có em bị hội chứng Down… “Cá tính của các em khác xa so với những trẻ em bình thường nên dạy học là cả một cuộc chiến và không hề đơn giản. Có khi cô đang dạy thì lại chạy ào ra sân, phải ra dỗ dành mới chịu vào lớp; có em chỉ thích ô tô, không thích học toán, phải bày ô tô ra rồi kết hợp dạy toán luôn…”, cô Phương chia sẻ.

Mới buổi sáng, lớp thực hành may - Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn đã khá tất bật với đơn hàng làm vỏ gối. Không có tiếng nói, tranh luận ồn ào, lớp học đặc biệt này chỉ vang lên tiếng máy khâu nhịp nhàng: Tạch! Tạch! Tạch… Ở đây, tất cả giao tiếp đều thực hiện bằng thủ ngữ - ngôn ngữ ký hiệu. Bởi các em đều câm điếc bẩm sinh.

Lớp thực hành may do cô Nguyễn Thị Xuân Thuy phụ trách.
Lớp thực hành may do cô Nguyễn Thị Xuân Thuy phụ trách.

Nguyễn Thiên Ngân (18 tuổi) đang miệt mài bên máy may để thực hành. Cạnh đó, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thuy tận tình hướng dẫn, nhắc đi nhắc lại nhiều lần để Ngân thực hiện đúng thao tác. Ra dấu thủ ngữ, Ngân cho biết đã qua đây học thực hành may hơn 2 năm. Hiện em có thể gia công vỏ gối và một số đồ vật khác đơn giản như móc khóa, túi đựng viết...

Cô Thuy chia sẻ: “Lớp may thực hành chưa đầy chục em, có em tiếp thu tốt, có em tiếp thu rất chậm. Bình thường, mỗi đứa trẻ là một tính cách, nhưng ở đây, mỗi trẻ có thể có 10 tính cách. Dạy các em rất khó, nếu không kiên trì, nhẫn nại và yêu thương thì không dạy được. Như Thiên Ngân, em rất hay quên, nhưng mãi rồi cũng học được”.

Cô Thuy năm nay 49 tuổi, đã có 4 năm gắn bó với Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. Vào Trung tâm dạy cũng là một mối duyên bất ngờ. Trước kia cô Thuy dạy may ở trung tâm dạy nghề, sau một lần vào may rèm cửa tại đây thì được mời về làm giáo viên.

“Lúc đầu thực sự là mình rất ngại, không muốn về, sợ các em không bình thường, có dạy được hay không. Nhưng khi vào tiếp xúc thì mới thấy rằng những đứa trẻ ở đây cũng hồn nhiên, đáng yêu như bao đứa trẻ khác, chỉ là số phận các em thiệt thòi hơn nhiều”, cô Thuy nhớ lại.

Bỡ ngỡ ban đầu qua đi, sau khi học thủ ngữ, cô Thuy nhanh chóng học bắt nhịp và giao tiếp, gắn bó với học sinh. Từ lớp học may, nhiều em khuyết tật đã thạo nghề, tìm kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định.

“Mấy em giờ làm công nhân may ở khu công nghiệp hay gửi hình ảnh qua zalo về khoe với cô. Còn các em ở đây, em nào may giỏi, được nhận lương thì đòi mua nước, mua đồ ăn về “khao” cô giáo. Tụi nhỏ coi vậy mà tình cảm lắm”, cô Thuy chia sẻ.

Xây ước mơ cho tương lai

Ngồi ở ghế đá đợi đón Trần Đăng Kiệt (9 tuổi), bà Lê Thị Tuyết (75 tuổi, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) rơm rớm nước mắt khi kể về đứa cháu trai kém may mắn.

Bà Lê Thị Tuyết xúc động khi kể về hoàn cảnh của cháu nội.
Bà Lê Thị Tuyết xúc động khi kể về hoàn cảnh của cháu nội.

“Tội nghiệp, cháu nó bị câm điếc bẩm sinh. Cách đây 3 năm, lúc đó cháu được 6 tuổi, nghe có Trung tâm Võ Hồng Sơn nuôi dạy trẻ miễn phí nên vội gói ghém đồ đạc, đưa cháu lên học. Cứ sáng thứ 2 là chở lên Trung tâm, đến thứ 6 đón về”, bà Tuyết chia sẻ.

Nhà nghèo, khi Kiệt còn nhỏ, ba mẹ đã để lại em cho bà nội rồi vào Nam mưu sinh. Từ lúc có dịch Covid-19 đến giờ, làm ăn khó khăn nên cha mẹ em cũng không về quê. Từ khi Kiệt vào Trung tâm, cứ mỗi cuối tuần, bà cháu mới được gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Cảnh nhà xa đi lại vất vả, nhưng bù lại, thấy Kiệt tiến bộ từng ngày, bà Tuyết như đỡ đi được nhiều lo âu.

“May có Trung tâm này nuôi dạy, mà nó ham học và thích tới đây lắm, tối Chủ nhật là đã tự sắp đồ đạc, hôm sau dậy thật sớm, giục bà đưa đi. Hồi ở nhà ngây ngô, có biết gì đâu, giờ thì vui vẻ, hoạt bát, biết làm toán, biết chữ. Cảm ơn các cô ở đây không biết bao nhiêu cho đủ”, bà Tuyết xúc động.

Là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã đi vào hoạt động được 9 năm. Trung bình mỗi năm, cơ sở này nuôi dạy miễn phí hơn 100 em thanh thiếu niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn từ các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi.

Chi phí ăn uống mỗi tuần cho trẻ vào khoảng 12 - 15 triệu đồng. Toàn bộ thực phẩm đều đặt mua ở siêu thị để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Rồi tiền lương giáo viên, nhân viên, bảo mẫu… Trung tâm đã vận dụng mọi mối quan hệ thân thiết, bạn bè ở khắp nơi để vận động nguồn kinh phí cho hoạt động. 

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm Trung tâm buộc phải cắt giảm 50% phụ cấp của giáo viên, nhân viên, bảo mẫu… để dành chi phí nuôi các cháu.

Dù phải gồng mình căng kéo, lo toan cho cuộc sống riêng nhưng không ai có ý định bỏ cuộc. Biết thời gian tới còn nhiều khó khăn, các giáo viên, nhân viên ở đây đã chủ động chăn nuôi và trồng trọt. Quyết tâm không bỏ trống khoảnh đất nào, họ đã tự bỏ công để gà vịt dần lớn, vườn rau thêm xanh, góp phần cung cấp dinh dưỡng cho các cháu. Bên cạnh đó, các giáo viên còn tình nguyện không nhận tiền bồi dưỡng trực nội trú ban đêm để góp thêm vào bữa ăn cho học sinh.

Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn giới thiệu với các quan khách về sản phẩm của lớp thực hành may.
Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn giới thiệu với các quan khách về sản phẩm của lớp thực hành may.

“Mình và các cô ở đây cố gắng hết khả năng để nuôi dạy các em. Chỉ mong gia đình và địa phương luôn chung tay với Trung tâm để giúp các em trưởng thành, có thể tự kiếm sống bằng chính khả năng của mình, không tạo gánh nặng cho xã hội”, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn chia sẻ.

Không muốn dừng lại ở việc dạy phổ thông đến hết cấp 2 và dạy nghề may, tin học cho trẻ khuyết tật như hiện tại, bà Hà còn ấp ủ ước mơ xây dựng cơ sở thứ 2 ở TP Hồ Chí Minh để liên kết đào tạo lên cấp 3, dạy nhiều nghề khác nữa như trang điểm, hội họa, uốn tóc…, mở rộng thêm cánh cửa vào đời về sau này cho các em.

Lớp tin học ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn
Lớp tin học ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn

“Chẳng có gì vui hơn khi thấy những học sinh, cũng là những đứa con mình nuôi dạy, chăm lo dần trưởng thành, kiếm được việc làm, hòa nhập nhập với cộng đồng. Vẫn biết con đường phía trước còn không ít chông gai, thậm chí có những điều tưởng chừng xa vời, thế nhưng, khi có ước mơ, các em sẽ có động lực để vươn lên. Được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, được tiếp sức bằng tình yêu ở mái ấm này, các em sẽ có thêm điều kiện để tìm thấy tương lai”, bà Hà trải lòng.