Mãi mãi là ánh sáng soi đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuốn sách “Bác Hồ với báo chí Thủ đô - Ánh sáng soi đường” trình diện bạn đọc đúng vào dịp cả nước đang rộn ràng các hoạt động kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chân dung một con người - một nhà báo vĩ đại đã được “họa” lại với đủ đầy đường nét của trí tuệ, tài hoa, đạo đức lẫn sự bình dị, khiêm tốn, gần gụi…

Tâm huyết của đội ngũ “những người cầm bút trên mặt trận tư tưởng” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dồn cả vào 563 trang sách, từ các vị lãnh đạo như Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị, những thế hệ nhà báo lão làng như Phan Quang, Thọ Cao… đến những nhà báo trẻ vẫn đang miệt mài với cây bút và thời cuộc. Những đường nét nhỏ hợp lại thành một bức tranh lớn, những bài viết riêng ghép lại thành câu chuyện dài về vị lãnh tụ là người sáng lập và rèn luyện báo chí cách mạng Việt Nam.

 
Mãi mãi là ánh sáng soi đường - Ảnh 1

Câu chuyện gồm 3 phần - 7 chương (136 bài viết) kể với người đọc rằng trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Người luôn coi báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho Nhân dân. Người đã lựa chọn báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng nhằm xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Người làm báo ở mọi nơi, mọi lúc, ngay trong hoạt động thực tiễn và đấu tranh cách mạng. Người đã sáng lập ra nhiều tờ báo cách mạng, trong đó nổi bật là tờ Le Paria (Người cùng khổ) - cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Đây là tờ báo đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc vừa là người sáng lập, vừa là chủ bút, là cây viết chính và kiêm luôn cả nhiệm vụ phát hành.

Cho đến sau này, những tờ báo trụ cột của báo chí cách mạng nước ta như: Cứu quốc, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hànộimới… đều có dấu ấn của Bác: Người sáng lập, đặt tên, chỉ đạo nội dung và cộng tác viết bài thường xuyên. Kể từ bài viết đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” (năm 1919) đến bài cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nichxơn” ngày 25/8/1969, nhà báo Hồ Chí Minh đã để lại cho người dân Việt Nam và bạn bè thế giới hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, 500 trang truyện và ký… với khoảng 150 bút danh.

Câu chuyện về đời làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức chân dung của một nhà báo vĩ đại ấy đã được “vẽ” bằng nhiều góc nhìn: Các tư liệu, bài báo viết về Người; Tình cảm của Người với báo chí cả nước, trong đó có báo chí Thủ đô; Một số bài viết của Bác trên báo giai đoạn 1945 - 1969; Tình cảm của Nhân dân và các nhà báo Thủ đô với Bác; Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Như nhận định của nhà báo Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: “Cuốn sách nêu cao tư tưởng vĩ đại, đạo đức trong sáng, tác phong khiêm tốn, giản dị gần gũi sâu sát cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác và trong sinh hoạt đời thường, qua đó bày tỏ lòng biết ơn, tình cảm kính yêu vô hạn, thể hiện sự kính trọng, cảm phục của Nhân dân Thủ đô, đồng bào chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đối với Bác Hồ. Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh mãi mãi là ánh sáng soi đường đối với báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí Thủ đô Hà Nội nói riêng”.

Dù những người làm cuốn sách hết sức khiêm tốn và cẩn trọng khi “gửi lời” tới bạn đọc rằng rất có thể cuốn sách còn những thiếu sót, song không thể phủ nhận đây là một món quà đầy ý nghĩa để mừng sinh nhật lần thứ 125 của Bác và kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Cuốn sách thực sự là nguồn tư liệu phong phú, bổ ích đối với việc nghiên cứu và học tập nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ nghề nghiệp, trước hết là với các nhà báo.