Make in Vietnam - Động lực cho chuyển đổi số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, khi lần đầu tiên Diễn đàn quốc gia Phát triển DN công nghệ Việt Nam được tổ chức, chương trình hành động và khẩu hiệu “Make in Vietnam” chính thức được ra đời.

Đó cũng là thời điểm DN ICT trong nước sẽ giữ vài trò chủ đạo để đưa công nghiệp công nghệ số trở thành trụ cột của nền kinh tế cũng như dẫn dắt vai trò chuyển đổi số quốc gia. Sau gần 4 năm triển khai, Make in Vietnam đã mang lại thay đổi lớn lao cho các DN ICT trong nước nói riêng cũng như nền kinh tế số của Việt Nam nói chung.

FPT tổ chức triển lãm công nghệ AI, IoT. Ảnh: Khánh Duy  
FPT tổ chức triển lãm công nghệ AI, IoT. Ảnh: Khánh Duy  

Giải bài toán trong nước

Trong những năm qua, ngày càng xuất hiệu nhiều các sản phẩm, dịch vụ công nghệ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí “nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”. Điều này cũng thể hiện rõ qua tốc độ chuyển đổi số tại nước ta đang nhanh chóng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nếu như năm 2019, tổng doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT chỉ đạt hơn 112 tỷ USD, với hơn 45.000 DN số, thì đến năm 2022, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại, con số trên đã tăng đến 148 tỷ USD và hơn 70.000 DN công nghệ số. Năm 2022 cũng là quãng thời gian ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về tỷ lệ giá trị Make in Vietnam trên doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT.

Theo đó, tỷ lệ giá trị Việt Nam năm 2022 ước đạt 27%, tăng 2,35% so với năm 2021. Đã có khoảng 60% số DN đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.

Đáng chú ý, năm qua, FPT cũng đã ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ quốc tế bằng việc là DN Việt đầu tiên ra mắt dòng chip vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Không chỉ giới hạn trong nước, chip của FPT được dự kiến sẽ có mặt ở thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật… vào năm 2023 cũng như mở rộng sang các lĩnh vực khác như chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh…

Đánh giá về tầm ảnh hưởng và hiệu quả của Make in Vietnam trong những năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây chính là sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Các DN ICT đã chuyển dần từ gia công sang làm chủ công nghệ, qua đó giúp giải quyết lớn những bài toán lớn của quốc gia, tiêu biểu là quá trình chuyển đổi số với các nền tảng số Make in Vietnam.

Viettel làm được thiết bị 5G đi ra nước ngoài với doanh thu trên 3 tỷ USD, VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ, FPT có doanh thu tại thị trường nước ngoài trên 1 tỷ USD, Zalo là ứng dụng Việt có số tài khoản cao hơn Facebook tại Việt Nam… Những DN này là ví dụ cũng như cảm hứng và tạo niềm tin rằng người Việt có thể làm được những điều lớn lao, Bộ trưởng chia sẻ.

Mang chuông đánh xứ người

Kể từ khi ra đời, phong trào Make in Vietnam không chỉ mang trong mình vai trò giải quyết những vấn đề của Việt Nam bằng công nghệ số do chính người Việt làm chủ mà còn có sứ mệnh lớn lao hơn đó chinh phục thị trường quốc tế. Đây cũng chính là hướng đi bền vững, không chỉ giúp DN ICT mau chóng lớn mạnh mà còn khiến Việt Nam mau chóng trở thành quốc gia phát triển nhờ tiếp thu được kinh nghiệm thực tế từ quốc tế.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, việc tấn công ra thị trường nước ngoài cũng đang là xu thế chung của DN ICT trong nước. Ước tính, trong số hơn 70.000 DN công nghệ số có khoảng 1.400 DN đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế. Đơn cử như FPT, sau 23 năm phát triển ở thị trường nước ngoài, năm 2022 là năm đầu tiên FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường này. Cũng chính nhờ sự vươn lên mạnh mẽ của FPT, hiện Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 2 trên bản đồ số, chỉ sau cường quốc phần mềm Ấn Độ.

Hay như Viettel cũng có một năm 2022 thành công ở thị trường ngoại với doanh thu cán mốc gần 3 tỷ USD. Lĩnh vực mang lại doanh thu chủ đạo cho Tập đoàn này là viễn thông, trong 10 quốc gia góp mặt, Viettel đang giữ vị trí nhà mạng số 1 tại Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng là DN Việt nổi bật thực hiện chuyển đổi số cho các quốc gia Haiti, Lào...

Đánh giá về cơ hội của DN ICT Việt tại thị trường quốc tế, CEO Tel.red (Mỹ) Joseph Saib cho rằng, thời điểm hiện tại, quyết tâm ra nước ngoài của DN Việt cũng tương tự như với DN Mỹ ở thung lũng Silicon vài thập niên trước đây. Ấn Độ cũng từng ở vị thế như ở Việt Nam nhưng dần từng bước trở thành trung tâm phần mềm của thế giới.

 

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin, mở ra cơ hội cho các DN đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Để làm được điều này, Việt Nam cần có một cộng đồng các DN công nghệ vững mạnh. Trong đó, các đơn vị có vai trò tiên phong cần thể hiện sự dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trở thành người đồng hành với các DN Việt khác tại cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần