Giới chức của Cơ quan luật pháp hàng hải Malaysia (MMEA) cho biết, trước đó các tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc đã bị bắt gặp vài lần quanh khu vực cụm bãi cạn Luconia. Động thái cứng rắn Việc 100 tàu cá Trung Quốc xuất hiện đã khiến Malaysia có những động thái cứng rắn để phản ứng lại “người hàng xóm quyền lực” Trung Quốc. Hãng Reuters cho biết, một bộ trưởng cấp cao từng nhấn mạnh, Malaysia cần “đứng lên” trước việc Trung Quốc tiếp tục tăng cường hiện diện tại các hòn đảo và cụm bãi còn tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông.
Thời điểm cuối tháng 3 vừa qua khi 100 tàu cá Trung Quốc xuất hiện gần cụm bãi Nam Luconia, Malaysia đã gửi hải quân tới đây và nhanh chóng triệu Đại sứ Trung Quốc để giải trình về vụ việc. Điều này trái ngược với phản ứng lập lờ của Malaysia trước 2 vụ tập trận hải quân của Trung Quốc năm 2013 và 2014 tại bãi cạn James, cách Sarawak 50 hải lý. Năm 2015, việc một ngư dân Malaysia tại khu vực biển Miri bị “bạo hành” bởi các cảnh sát biển Trung Quốc đã lắng xuống trong yên lặng. Trở lại vụ 100 tàu cá, Ngoại trưởng Trung Quốc lúc bấy giờ tiếp tục giảm nhẹ tầm nghiêm trọng của vụ việc, cho rằng các ngư dân Bắc Kinh chỉ hoạt động bình thường ở các “vùng biển liên quan”. Chỉ vài tuần trước, Malaysia tuyên bố kế hoạch thành lập một biệt đội hải quân tới căn cứ hoạt động gần thị trấn Bintulu, phía Nam Miri. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khẳng định khu căn cứ này sẽ là nơi chứa trực thăng, máy bay không người lái và một lực lượng đặc chủng để bảo vệ nguồn tài sản khí đốt và dầu lửa từ các lực lượng liên quan tới khủng bố phía nam nước này. Tuy nhiên, một số giới chức, chuyên gia Malaysia giấu tên khẳng định với Reuters, những hành vi ngang ngược trên biển của Trung Quốc gần đây mới là lý do thực sự cho việc căn cứ này ra đời. Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia lặp lại điều mà nhiều quốc gia thành viên ASEAN từng khẳng định, đó là không công nhận tuyên bố chủ quyền “Đường chín đoạn” của Trung Quốc. Lựa chọn hạn chế Trả lời về sự cố, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, cả 2 nước đều có nhận thức chung trong việc giải quyết tranh chấp trên biển qua đối thoại. Sự phụ thuộc của Malaysia vào Trung Quốc đã giải thích hành xử miễn cưỡng của Kuala Lumpur. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Malaysia trong nhóm ASEAN. Bên cạnh đó, Bắc Kinh luôn có ảnh hưởng đối với các vấn đề trong nước của Malaysia khi người Trung Quốc ở Malaysia chiếm khoảng 1/4 dân số Malaysia. Vì vậy, để cân bằng lợi ích an ninh kinh tế và quốc gia, Malaysia đang theo đuổi các chiến lược khác nhau bao gồm cả việc tăng cường khả năng do thám và quốc phòng trong khi thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký năm 2002. Một lựa chọn nhạy cảm hơn là tìm kiếm các mối quan hệ quân sự thân thiết hơn với Mỹ. Một quan chức cấp cao cho biết, Malaysia đã đề nghị Mỹ giúp đỡ về việc thu thập thông tin tình báo và phát triển khả năng bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, động thái này diễn ra trong lặng lẽ để tránh chọc giận Bắc Kinh.