Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Malaysia ứng phó với Covid-19 như "căn bệnh đặc hữu" kể từ tháng 10

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Malaysia đã vất vả để kiềm chế gia tăng số ca nhiễm Covid-19 theo ngày, trong đó chính phủ buộc phải áp đặt nhiều đợt phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết, nước này sẽ bắt đầu ứng phó với Covid-19 như một ''căn bệnh đặc hữu'' vào khoảng cuối tháng 10.
Covid-19 được coi như ''căn bệnh đặc hữu'' khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh hiện diện thường xuyên trong cộng đồng và tiếp tục lưu hành giữa mọi người. Các bệnh khác được cho vào nhóm bệnh đặc hữu có thể kể đến cúm, sốt xuất huyết và sốt rét.
 Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Mohamed Azmin Ali. Ảnh: Bernama 
Cho đến nay, Malaysia đã vất vả để kiềm chế gia tăng số ca nhiễm Covid-19 theo ngày, trong đó chính phủ buộc phải áp đặt nhiều đợt phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Ngân hàng T.Ư nước này vào tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống còn 3% - 4%, từ mức 6% - 7,5% trước đó.
Theo ông Mohamed Azmin Ali, hiện nền kinh tế Malaysia vẫn phục hồi, được thúc đẩy bởi nhu cầu ngoài nước ở mức tốt và các dự án cơ sở hạ tầng đang diễn ra.
“Khả năng chi trả và tiếp cận vaccine là những yếu tố then chốt trong việc đảm bảo sự phục hồi kinh tế bền vững”, Bộ trưởng Mohamed Azmin Ali chia sẻ trong chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC.
Bộ trưởng Mohamed Azmin Ali cũng cho biết hơn 75% dân số trưởng thành của Malaysia sẽ được tiêm chủng đầy đủ cho đến cuối tháng 10 tới. Hiện tại, 88% người lớn - hoặc khoảng 63% toàn bộ dân số - đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19, theo dữ liệu chính thức.
Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin tuần trước cho biết, chính phủ Malaysia sẽ đơn giản hóa một số biện pháp giãn cách xã hội để chuẩn bị cho việc sống chung với căn bệnh đặc hữu Covid. Tuy nhiên khẩu trang vẫn sẽ được yêu cầu để hạn chế sự lây lan của virus.
Theo CNBC, ngoài Malaysia, các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19 gây ra bởi biến thể Delta dễ lây lan.
Joseph Incalcaterra - nhà kinh tế trưởng về ASEAN tại HSBC, cho biết Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặc biệt những sản phẩm như chất bán dẫn và trang phục thiết yếu.