Đằng sau những thương vụ hợp tác triệu đô, đằng sau hình ảnh lấp lánh của hàng Việt trên các gian hàng quốc tế là không ít mồ hôi, nước mắt và cả những bài học được trả giá bằng tiền bạc của DN khi “mang chuông đi đánh xứ người”.
Từ những bài học “đắng”
Bên ly trà chiều giáp Tết, tại một Công ty luật, nhóm doanh nhân thân thiết lại tụ họp cùng nhau. Lãnh đạo DN A khoe chuyện tư vấn cho nhiều thương vụ đưa hàng Việt sang châu Á, châu Âu. Giám đốc công ty B chép miệng với những kế hoạch bị trì hoãn.
Họ chia sẻ cả những sóng gió trên thương trường, những bài học kinh nghiệm để “ra biển, thuyền không bị đánh chìm”. Và vụ việc nhiều chục container hạt điều mất quyền kiểm soát được kể lại như để nhắc nhau cần kỹ lưỡng hơn khi tìm cơ hội trên thị trường nước ngoài.
Đầu tháng 3/2022, một số DN xuất khẩu điều nhân sang Italia thông qua một công ty môi giới tại Việt Nam với số lượng nhiều container trị giá hàng trăm triệu USD đã phải gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng. May mắn, sau nhiều tháng, với sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan và nỗ lực của chính các DN, toàn bộ container này đã lấy lại được quyền kiểm soát.
Tuy nhiên, tổn thất đối với các DN Việt là rất lớn khi phải chi trả chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa, phí thuê luật sư, cước tàu vận chuyển hàng từ Italia đi các nơi… Đây được coi là một bài học lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam về việc cần phải tìm hiểu kỹ thông tin của đối tác. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng cho thấy những góc khuất khác về nỗi vất vả, lăn lộn khi đưa hàng Việt ra nước ngoài.
Tại sao các DN không chọn phương thức thanh toán Thư tín dụng (L/C) rủi ro thấp mà lại chọn phương thức thanh toán nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P) tiềm ẩn nhiều rủi ro? Trên truyền thông, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đã giải thích vì sao L/C ít rủi ro nhất nhưng lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản.
Theo ông Hải, hàng nông sản giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn USD. Người mua thì không mua nhiều một lúc, mà họ mua gối đầu, từng lô nhỏ. Nếu lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng có khi đến vài chục L/C. Mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng, không 100% thì cũng phải một tỷ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Không người mua nào muốn như thế cả. Nếu DN khăng khăng đòi L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác.
“Các doanh nhân đã rất vất vả, lăn lộn trên thương trường để đưa một mặt hàng nông sản như hạt điều ra với thế giới, và đưa đất nước chúng ta lên vị trí số 1 về xuất khẩu hạt điều. Không phải ở trong cuộc, đừng vội chê trách họ, mà hãy cùng chung tay để tìm giải pháp khả dĩ nhất, qua đó rút ra những bài học cần thiết để xuất khẩu nông sản tiếp tục vươn lên”- ông Hải nói.
Câu chuyện những container điều nhân nói trên chỉ là một trong rất nhiều những “trái đắng” mà DN Việt gặp phải trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Khảo sát của Công ty Kiểm toán PwC cho thấy, 52% DN Việt Nam tham gia khảo sát nói rằng, họ trải nghiệm lừa đảo thương mại quốc tế hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát cao hơn mức 46% của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.
Có thể thấy, con đường mở rộng kinh doanh ngoài biên giới Việt Nam, hiện thực hóa giấc mơ vươn tầm không trải đầy hoa hồng mà vốn dĩ đã rất nhiều chông gai. Mỗi bài học, mỗi kinh nghiệm được rút ra là trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và tiền của.
Đến hành trình đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới
“Đã là hội nhập, không thể chỉ bơi mãi trong ao nhà. Hoặc là tìm thị trường mới, hoặc là tụt hậu nhìn các đối thủ tiến lên” - một doanh nhân chia sẻ. Vượt biển, tìm cơ hội tại các thị trường khó tính, ra ngoài lãnh thổ Việt Nam là một cách để tiến lên.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương với thương hiệu Viettime Craft là DN chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như sọt, rá, đồ sơn mài... Được thành lập từ năm 2007, Viettime Craft nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý và giao hàng đúng hẹn.
Các “sản phẩm xanh” được làm từ nguyên liệu tự nhiên như lục bình, mây, tre, lá cọ, cỏ biển… được thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, châu Á đón nhận khá tích cực nhiều năm qua. Để đẩy mạnh chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu, ngoài cách bán hàng truyền thống, Viettime Craft đã tìm kiếm thêm nhiều cơ hội trên sàn thương mại điện tử.
Năm 2015, DN này đã khai phá kênh bán hàng thương mại điện tử khi trở thành nhà cung cấp Vàng của Alibaba.com. Sau 2 năm vận hành tài khoản Alibaba.com, Viettime Craft mở rộng phòng xuất nhập khẩu từ 3 nhân viên lên 20 nhân viên, và đăng ký thêm 1 tài khoản Alibaba.com Gold Supplier vào năm 2017 để phục vụ một dòng sản phẩm mới. Năm 2022, Viettime Craft tiến thêm một bước khi đáp ứng các tiêu chuẩn trở thành nhà cung cấp được xác minh trên sàn thương mại điện tử này.
“Số lượng khách đến cửa hàng Alibaba.com của chúng tôi mỗi tháng dao động từ 20.000 - 30.000, với 300 - 400 yêu cầu nhận hàng. Chỉ số này đang gấp 6 lần trung bình ngành hàng trên Alibaba.com và giá trị giao dịch của chúng tôi đã đạt 5 triệu USD”- Giám Đốc Điều Hành Công ty CP Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương Hoàng Thanh Tâm chia sẻ.
Năm 2022, giữa những khó khăn, những biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, DN Việt vẫn kiên nhẫn, nỗ lực, tự tin đưa thương hiệu vươn tầm thế giới. Nhiều thương hiệu Việt đã thành công nắm quyền chi phối DN ngoại, nhiều cái bắt tay giá trị khủng với các “ông lớn” nước ngoài đã được “chốt deal”.
Tháng 9/2022, Nutifood - một tên tuổi lớn của ngành sữa Việt Nam đã ghi dấu ấn khi hoàn tất thủ tục nắm quyền chi phối Cawells – Công ty Thực phẩm bổ sung uy tín tại Thụy Điển. Với sự tham gia điều hành của Nutifood, bên cạnh thị trường truyền thống của Cawells như: Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực Trung Đông, Cawells sẽ nhanh chóng xâm nhập vào những thị trường tiềm năng mới với hơn 100 triệu người Việt Nam nói riêng và 5 tỷ người dân khu vực châu Á nói chung.
“Chúng tôi luôn mong muốn làm giàu cho đất nước bằng chính thương hiệu và sản phẩm do Công ty Việt Nam làm chủ, hiện diện không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế. Cawells là bước tiến tiếp theo trên hành trình chúng tôi thực hiện khát khao đó” - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Nutifood Trần Bảo Minh cho biết.
Mới đây, hình ảnh con tàu chở 999 xe ô tô điện Vinfast xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ cảng MPC Port, quận Hải An, TP Hải Phòng cũng khiến không ít người Việt Nam rưng rưng, tự hào.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa nhiều mặt, dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên trong lịch sử, chiếc ô tô điện sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt chính thức góp mặt vào thị trường ô tô toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Vingroup - VinFast chính là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ DN mới năng động, sáng tạo, tự tin, làm ăn đúng pháp luật, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sẵn sàng vươn ra biển lớn để cạnh tranh sòng phẳng ở đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
"Chúng ta vui mừng, xúc động khi thấy chiếc ô tô sản xuất, mang thương hiệu Việt Nam chính thức được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Thành quả bước đầu sau 5 năm của VinFast đã mở ra kỷ nguyên xe ô tô điện tại Việt Nam, đủ đẳng cấp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ ngành ô tô thế giới." - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
----
"Năm 2023, kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ và tôi không thể nghĩ ra món quà nào tuyệt hơn khi những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam được sản xuất trên đất Mỹ, bởi những người công nhân Mỹ." - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper