Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạng lưới chống lũ tinh vi của Singapore

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Singapore đã và đang có những chiến lược tỉ mỉ và giải pháp sáng tạo để đối phó với nguy cơ ngập lụt đô thị trên diện rộng.

Nằm ở vùng xích đạo nhiệt đới, với gần 1/3 diện tích thấp hơn mực nước biển, Singapore phải đối mặt nguy cơ lũ lụt không chỉ do mưa mà còn từ nước biển. Khi xảy ra một số hiện tượng thời tiết bất thường như thuỷ triều dâng hoặc bão, mực nước biển trung bình cũng có thể dâng lên mức 4-5 m, đe doạ cuộc sống nhiều cộng đồng ven biển tại quốc gia này

Không những vậy, một số nghiên cứu còn cảnh báo khi mực nước biển dâng lên mức hơn 1  m vào năm 2100, nhiều khu vực ở nơi được mệnh danh là “Đảo quốc sư tử” có nguy cơ bị nhấn chìm.

Ý thức rõ được nguy cơ này, chính phủ Singapore ngay từ năm 70 của thể kỷ trước đã đầu tư mạnh mẽ vào những giải pháp chống lũ như xây dựng hệ thống kênh đào, hồ chứa và đường ống thoát nước. Quốc gia Đông Nam Á này được xem là nơi tiên phong trong công nghệ xử lý nước trên toàn cầu, và đã thành lập hẳn một đơn vị chuyên trách vấn đề này từ năm 1972, mang tên Cục Quản lý nước Singapore (PUB).

Hạ tầng kiên cố

Hiện tại, Singapore sở hữu mạng lưới cống thoát nước ngầm dài tới 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa, với hơn 40 kênh đào cùng hệ thống rãnh thoát nước có chiều dài tới 1.000 km.

Nhưng chỉ mở rộng kênh và cống rãnh là không đủ, đặc biệt là đối với các khu vực đã phát triển. Chính vậy, PUB còn kết hợp với các nhà đầu tư bên ngoài để áp dụng nhiều giải pháp mới, như các hầm giữ nước phi tập trung hay vườn mưa. Nhiều hầm giữ nước đã và đang được xây dựng với quy mô khác nhau trên khắp Singapore nhằm chống lũ theo cách tiếp cận được gọi là “nguồn, đường dẫn và hồ chứa”.

Hầm giữ nước Stamford ở Singapore có thể lưu trữ lượng nước tương đương 15 bể bơi chuẩn Olympic. Ảnh: CPG Consultants
Hầm giữ nước Stamford ở Singapore có thể lưu trữ lượng nước tương đương 15 bể bơi chuẩn Olympic. Ảnh: CPG Consultants

Trong đó, đáng chú ý nhất là hầm giữ nước Stamford nằm ở độ sâu 30m dưới Vườn thực vật (Botanic Garden), có kích thước bằng một sân bóng đá và có thể lưu trữ lượng nước tương đương 15 bể bơi chuẩn Olympic. Lũ lụt được điều tiết bằng cách khi mưa xuống, lượng nước quá tải ở mương dẫn chính sẽ được chuyển về hầm giữ nước Stamford và khi hết mưa, nước từ hầm giữ lại được bơm ra các kênh đào.

"Cách tiếp cận này giúp can thiệp toàn bộ hệ thống thoát nước, không chỉ dọc theo khu vực nước mưa chảy mà còn ngay từ khu vực mưa bão đổ xuống”, chuyên gia Gayathri Kalyanaraman từ PUB giải thích. “Theo cách này, chúng tôi ngăn lũ lụt thông qua các biện pháp giữ nước tại chỗ, sau đó mới dần chuyến tới các kênh đào và cống dẫn, nơi thường phải nâng cấp theo cách truyền thống là mở rộng hoặc đào sâu xuống".

Phòng chống lũ lụt còn được tích hợp trong thiết kế và quy hoạch hạ tầng. Các khu chung cư ở Singapore thường có tầng 1 để trống, vừa làm nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa để phòng ngừa lũ lụt hay nước biển dâng. Lối vào các ga tàu MRT cũng được thiết kế cao hơn đường phố nhiều bậc để phòng ngừa nước lũ tràn vào.

Bên cạnh đó, quốc gia này cũng chú trọng gia cố bờ biển để phòng lũ. Khoảng 70% bờ biển Singapore được bảo vệ bởi các đê biển và kè đá. Các công trình khác như đê, đập và cửa biển ngăn thủy triều cũng được xây dựng để bảo vệ các khu vực có các hồ chứa ven biển.

Tiêu biểu trong số đó là đập Marina, không chỉ có vai trò ngăn nước biển dâng, mà còn có chức năng tích trữ nước ngọt, góp phần quan trọng đối với hệ thống cung cấp nước sạch ở Singapore.

Đập Marina không chỉ ngăn nước biển dâng, mà còn góp phần quan trọng đối với hệ thống cung cấp nước sạch ở Singapore. Ảnh: Zarch
Đập Marina không chỉ ngăn nước biển dâng, mà còn góp phần quan trọng đối với hệ thống cung cấp nước sạch ở Singapore. Ảnh: Zarch

Thậm chí, đảo quốc này đang cân nhắc việc sử dụng đất lấn biển sau khi dự án đầu tiên tại Pulau Tekong hoàn thành vào cuối năm 2024. Đây là những vùng đất vốn chìm dưới mực nước biển nhưng được khai hoang nhờ các công trình đê điều, kênh thoát nước và trạm bơm.

Giải pháp đột phá

Tình hình lũ lụt ở Singapore được quản lý thông qua mạng lưới cảm biến, có chức năng theo dõi thời gian thực mực nước ở các con kênh và dòng sông, dự báo về lượng mưa rơi cũng như thiết lập các hệ thống cảnh báo về nguy cơ lũ lụt.

"Với công nghệ hiện tại, chúng tôi có thể dự báo được tình hình nước biển dâng từ trước đó 3 ngày. Nhờ đó, chúng tôi biết đâu là những khu vực trũng tiềm ẩn có thể gặp rủi ro, và huy động nhân lực phù hợp cũng như triển khai hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, tránh thiệt hại", Ông Ho Chai Teck – Phó giám đốc Cục Bảo vệ bờ biển, Cơ quản Quản lý nước Quốc gia Singapore, tiết lộ.

Ngoài ra, Singapore đang nghiên cứu các giải pháp kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo để tăng cường khả năng bảo vệ tự nhiên của nước này. Chương trình ABC Water (Năng động - Active, Đẹp - Beautiful, Sạch - Clean) được PUB khởi xướng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đóng những giải pháp xử lý nước thân thiện với môi trường, như xây dựng các vườn mưa (một khu vực được đào lên và trồng các loại cây bản địa, đặt gần cống thoát nước hoặc khu vực có nước đọng), đầm lầy sinh học (mương nước trồng cây bản địa kết nối các cơ sở hạ tầng thoát nước mưa khác dọc đường và lối đi). Chúng không chỉ cải thiện chất lượng nước mà còn nâng cao tính đa dạng sinh học và thẩm mỹ của môi trường xung quanh.

Singapore đang nghiên cứu các giải pháp kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo để tăng cường khả năng bảo vệ tự nhiên. Ảnh: AECOM
Singapore đang nghiên cứu các giải pháp kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo để tăng cường khả năng bảo vệ tự nhiên. Ảnh: AECOM

Đến nay, diện tích có nguy cơ ngập lụt ở Singapore đã giảm từ 3.200 ha trong những năm 1970 xuống còn 56 ha. Dù một số nơi ở vẫn bị ngập nếu xảy ra mưa to kéo dài bất thường, song tình trạng này thường không kéo dài.

Có thể nói, những chiến lược toàn diện, tổng thể và cách tiếp cận đa chiều đã giúp Singapore có thể ứng phó hiệu quả với lũ lụt không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai.