Mạng lưới xe buýt lan nhanh sau mở rộng địa giới hành chính

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, TP Hà Nội đã điều chỉnh hệ thống giao thông công cộng nhằm mở rộng vùng phục vụ. Hàng loạt tuyến buýt được mở mới hoặc kéo dài đến các khu vực thuộc các huyện ngoại thành, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, lĩnh vực VTHKCC đã đạt được những thành tựu đáng kể cả về lượng và chất, góp phần tăng cường kết nối các quận huyện và giao thông Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Một trong số những điểm thay đổi rõ rệt được kể đến là hệ thống xe buýt ngày càng được mở rộng, kéo dài về các vùng ngoại thành, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Hà Nội hiện có 155 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour.
Hà Nội hiện có 155 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour.

Cụ thể, trước khi mở rộng địa giới hành chính, cả tỉnh Hà Tây cũ chỉ có 6 tuyến buýt không trợ giá với 80 xe, 16 nhà chờ và 166 điểm dừng đỗ đón, trả khách. Toàn bộ 16/16 huyện và thị xã, 350/350 xã (tỷ lệ 100%) chưa có dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá.

Còn ở Hà Nội, cũng ở thời điểm đó, thành phố đã có 60 tuyến buýt và 2 tuyến buýt kế cận kết nối các tỉnh lân cận với tổng cộng 940 xe. Trong số này có 910 xe buýt trợ giá và 30 xe buýt không trợ giá. Cùng với đó là 292 nhà chờ, 1.170 điểm dừng đỗ, 52 điểm đầu cuối tuyến và 2 điểm trung chuyển hành khách. Mạng lưới buýt có trợ giá của thành phố đã tiếp cận phục vụ 14/14 quận, huyện (đạt tỷ lệ 100%); 182/229 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 79,5%).

Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội đã khẩn trương điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến nhằm mở rộng vùng phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân. Hàng loạt tuyến buýt được mở mới hoặc kéo dài đến các khu vực thuộc các huyện Mê Linh, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì và thị xã Sơn Tây...

Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều tuyến xe buýt mới mở ra các huyện ngoại thành đã hoạt động ổn định, sản lượng hành khách tăng dần, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, các tuyến xe buýt ngoại thành còn góp phần quan trọng hạn chế áp lực cho giao thông nội đô.

Theo thống kê của Sở GTVT TP Hà Nội hiện, trên địa bàn có 155 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Thành phố có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt với hơn 2.300 phương tiện. Về hạ tầng, mạng lưới vận tải công cộng có 351 nhà chờ, 4.405 điểm dừng đỗ, 5 điểm trung chuyển và 127 điểm đầu cuối.

Một trong số những tuyến buýt tiêu biểu hỗ trợ người dân đi lại thuận lợi giữa khu vực nội đô và các huyện ngoại thành chính là tuyến xe buýt số 103 (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn) do Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) mở vào tháng 7/2017 với điểm cuối đặt tại Khu di tích danh thắng chùa Hương của huyện Mỹ Đức.

Theo báo cáo thống kê của Transerco, tuyến 103 có khách vé lượt bình quân đạt trên 30 khách/lượt xe, khá cao so với các tuyến buýt truyền thống khác.

Cùng với tuyến buýt số 103, tuyến 101 (Bến xe Giáp Bát - Vân Đình) cũng được mở mới vào tháng 7/2017 có khách vé lượt bình quân 20 khách/lượt xe (ở thời điểm đó, lượng khách vé lượt bình quân toàn mạng chỉ đạt 15,2 khách/lượt xe).