Mạng xã hội nhiều cơ hội, lắm rủi ro

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng xã hội thực sự là công cụ hữu hiệu, cũng là "bạn thân" của nhiều người. Tuy nhiên, mạng xã hội đã và đang bộc lộ không ít mặt tiêu cực, và nhiều người trẻ phải đối mặt với nguy cơ bị lừa gạt, dụ dỗ, lợi dụng hoặc truy cập vào những nội dung tiêu cực, bạo lực…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Kết quả nghiên cứu về tác động của môi trường mạng với trẻ em của Bộ LĐTB&XH mới đây cho thấy, có 36,4% trẻ bị bắt nạt qua mạng, 15,7% trẻ bị dụ dỗ, gạ gẫm tình dục, 13,2% trẻ tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm. Việc này rất có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cuộc sống vị thành niên. Trên thực tế, nhiều trẻ cảm thấy sợ hãi, thiếu tự tin, có các dấu hiệu trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn ăn uống và thậm chí có ý định tự tử… Khi các mạng xã hội được sử dụng để truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, dễ dãi, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, nó trở thành một công cụ nguy hiểm.

Chia sẻ vấn đề này, cô Nguyễn Thị Chi Mai - giáo viên trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho rằng, nếu không nhận thức đúng, mạng xã hội không chỉ làm mất tập trung cho việc học tập của học sinh (HS), mà còn có nguy cơ lây nhiễm những thói hư, tật xấu từ các mối quan hệ trên mạng xã hội, vì ở độ tuổi này các em chưa chín chắn, nên dễ bị lôi kéo và ảnh hưởng bởi những tác động xấu từ thế giới “ảo”. Trong tương lai, thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn với tốc độ nhanh hơn. "Bởi thế, ngay từ bây giờ các bạn HS tự trang bị cho mình kiến thức chắc chắn, phông văn hóa bền vững và đặc biệt luôn biết xác định rõ, chính xác mục đích sử dụng mạng xã hội của mình là gì; biết sắp xếp hợp lý thời gian học tập. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần kịp thời tuyên truyền, giáo dục, tăng cường quản lý HS, đồng thời đưa ra những giải pháp đẩy lùi những tư tưởng tiêu cực, độc hại đang lây lan trong HS thông qua mạng, để các trang mạng thực sự là công cụ hữu ích, giúp con người làm chủ cuộc sống” – cô Nguyễn Thị Chi Mai nhấn mạnh. 

Có thể khẳng định, môi trường mạng mở ra nhiều cơ hội và cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Để bảo vệ trẻ, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành, rất cần sự quan tâm, giáo dục của nhà trường và gia đình, các bậc cha mẹ hãy tỉnh táo để hướng dẫn con có đủ năng lực tự bảo vệ bản thân. Các chuyên gia khẳng định, cha mẹ chính là người bảo vệ hiệu quả nhất, giúp con lựa chọn được những nội dung bổ ích, phù hợp, nhận ra những dấu hiệu không an toàn để từ chối, biết cách chia sẻ để bảo vệ bản thân.