Mạnh tay với doanh nghiệp chây ỳ cổ phần hóa

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 10 tháng qua, dù đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu DNNN, tuy nhiên, công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại khối DN này vẫn được đánh giá là chưa đạt kỳ vọng.

Thoái gần 3.500 tỷ đồng vốn Nhà nước
Theo báo cáo của Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 10/2016, đã có 51 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó có 6 tổng công ty Nhà nước. Tổng giá trị thực tế của 51 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 32.032 tỷ đồng. Trong 10 tháng năm 2016, các đơn vị cũng đã thoái 3.352 tỷ đồng, thu về 64.078 tỷ đồng. Trong đó, riêng Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 59 DN với giá trị là 1.489 tỷ đồng, thu về 3.844 tỷ đồng.

Sau nhiều năm trì hoãn, Habeco đã phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCOM. Ảnh:  Thanh Hương

Một trong những cái được lớn nhất của các DNNN sau CPH là đổi mới quản trị DN. Một số quy định được sửa đổi đã thúc đẩy DN minh bạch hơn trong quản lý tài chính như điều chỉnh mối quan hệ tín dụng của các DNNN theo hướng công ty mẹ không bảo lãnh cho các công ty con trong hoạt động tín dụng, tăng cường tính chủ động và trách nhiệm về tài chính của các công ty con theo cơ chế tự vay, tự trả, nâng cao công tác giám sát tài chính đối với các DNNN. Lao động dôi dư ở các đơn vị thực hiện CPH, giao, bán được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm mới tại DN CPH hoặc tự thu xếp công việc mới đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, CPH.
Tăng trách nhiệm lãnh đạo bộ, ngành
Dù có nhiều đổi mới quản trị thúc đẩy DN phát triển sau CPH. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Tài chính DN, tiến độ CPH, thoái vốn DNNN vẫn tiếp tục chậm. Nguyên nhân là do các đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Ngoài ra, một nguyên nhân cố hữu theo nhiều chuyên gia là yếu tố con người. Thời gian qua, nhiều bộ, ngành đã làm tốt nhiệm vụ CPH, thoái vốn DNNN dù có khá nhiều DN “xương xẩu”. Nhưng vẫn có nhiều bộ, quá trình CPH các DNNN làm rất chậm như Bộ Công Thương… Có thể thấy, CPH hay thoái vốn không khó khăn như nhiều bộ, ngành vẫn kêu ca. "Ví dụ, nếu DN chỉ thoái 30% vốn chắc chắn sẽ khó bán, trong khi thời gian qua có nhiều DN thực hiện bán hết 100% vốn lại bán nhanh và bán được giá” - ông Nguyễn Hoàng Hải - Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết. Để thúc đẩy quá trình CPH, VAFI đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng kiểm tra Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về việc tăng chế tài xử phạt các DN chậm CPH, thoái vốn. Theo đó, ngoài việc bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phạt tiền, VAFI đề xuất cơ chế nếu người đứng đầu cố tình trì hoãn, chậm CPH thì Nhà nước sẽ không cho quản lý phần vốn Nhà nước.
Phía Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), Cục trưởng Trần Văn Hiền cho hay, trong giai đoạn 2016 - 2020, quá trình CPH DNNN tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Đối tượng CPH tiếp tục được mở rộng là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước lớn đòi hỏi phải có các cơ chế liên quan hướng dẫn phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN. Việc tổ chức định giá sát với giá thị trường, bán cổ phần công khai, minh bạch, hạn chế thất thoát vốn và tài sản Nhà nước.
Hướng đi CPH trong thời gian tới là tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong việc thực hiện phương án CPH đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo DN không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả công tác này.
Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính Trần Văn Hiền

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần