Mành tre Vân Lũng vẫn lo bài toán đầu ra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Vân Lũng xã An Khánh, huyện Hoài Đức được biết đến như “cái nôi” của mành tre, một sản phẩm truyền thống giản đơn, dân dã nhưng gắn bó mật thiết với đời sống của người dân những miền quê.

Học nghề từ thuở lên 5

Không khó để tìm về ngôi làng nhỏ này, bởi dọc đường qua những ngôi nhà cao tầng thuộc Khu đô thị mới An Khánh là những đống tre, nứa, trúc, giang lớn được sắp xếp gọn gàng ven bờ ao, bên vệ đường. Mành tre thành phẩm cũng được người dân hong phơi bên những lối đi dọc đường làng.
Làng Vân Lũng nổi tiếng với nghề đan mành tre.	 Ảnh: Lâm Nguyễn
Làng Vân Lũng nổi tiếng với nghề đan mành tre. Ảnh: Lâm Nguyễn
Đôi tay thoăn thoắt vót từng thanh tre, bà Nguyễn Thị Mùi (SN 1949) ở xóm Chùa, thôn Vân Lũng kể, từ khi lên 5 tuổi đã được bố mẹ dạy cách vót thanh tre làm mành. Nếu chú tâm học nghề, lên 10 tuổi là có thể tự hoàn thành một chiếc mành thô (chưa qua phun sơn - dầu, vẽ hoa văn trang trí). Công đoạn để làm ra một chiếc mành tre không quá phức tạp, nhưng để có được một sản phẩm đẹp, người làm phải rất chau chuốt, tỉ mẩn, và đặc biệt phải có “gu” thẩm mỹ cao. Những phẩm chất ấy không phải ai cũng có thể hội tụ đầy đủ.

Gia đình anh Nguyễn Vũ Quý (SN 1967) là một trong những hộ sản xuất và tiêu thụ mành tre lớn nhất thôn Vân Lũng. Do nhân lực không có nên gia đình anh phải thuê người trong làng làm khoán công nhật. Đến nay, gia đình anh Quý đang tạo công ăn việc làm thời vụ cho gần 200 lao động trong thôn với mức thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tuần, gia đình anh xuất khoảng 1.500m2 mành tre các loại, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Cả thôn Vân Lũng hiện có trên 500 hộ, thì 2/3 số gia đình tham gia vào một hoặc nhiều công đoạn của nghề làm mành tre. Sở dĩ vậy, bởi dù chỉ là nghề phụ cho thu nhập không quá cao, nhưng đơn giản, dễ làm, lại có thể tranh thủ đan mành mỗi khi rảnh rỗi. Chẳng vậy mà khi về với Vân Lũng hôm nay có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh rất đỗi quen thuộc là người người, nhà nhà quây quần chẻ nan, vót tre, đan mành, sơn vẽ thành phẩm… Sản phẩm mành tre thôn Vân Lũng nay đã xuất đi bán buôn, bán lẻ tại nhiều khu chợ lớn khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Nhiều nhất là thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm được bán với giá từ 35.000 – 100.000 đồng/m2, tùy vào chất liệu, mức độ công phu, chi tiết của sản phẩm làm ra.

Chưa “sống khỏe” nhờ nghề

Người dân thôn Vân Lũng có thể tự hào, bởi sau hàng trăm năm, nghề đan mành tre truyền thống vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, phát huy giá trị kinh tế tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, người dân thôn Vân Lũng chưa thể “sống khỏe” nhờ nghề. Theo ông Hoàng Văn Cầu – Trưởng thôn Vân Lũng - số hộ trong thôn làm ăn phát đạt như gia đình anh Quý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, hầu hết chỉ làm khoán thuê tại gia (tranh thủ khi rảnh rỗi) như một nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Dẫu vậy, nghề đan mành tre vẫn đang là “cứu cánh” cho không ít người dân nơi đây. Nói vậy bởi từ năm 2008, nhiều diện tích đất nông nghiệp xã An Khánh được thu hồi phục vụ các dự án phát triển, trong đó lớn nhất phải kể tới Khu đô thị mới An Khánh ngày nay. Thiếu đất, người dân thôn Vân Lũng nói riêng, xã An Khánh nói chung chuyển sang bán buôn (chủ yếu là hoa, cây cảnh) hoặc đi làm công cho các nhà máy, xí nghiệp, công ty tư nhân…

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã An Khánh Bùi Văn Vận cho biết, toàn xã chỉ còn 1/5 thôn còn đất sản xuất nông nghiệp (thôn Ngãi Cầu). Riêng thôn Vân Lũng, vẫn duy trì nghề đan mành tre. Tuy nhiên, do đầu ra sản phẩm hiện gặp nhiều khó khăn nên việc mở rộng quy mô sản xuất, cũng như quy hoạch phát triển làng nghề chưa thể thực hiện được. Người dân thôn Vân Lũng cho rằng, nghề hay, đầu tư không quá lớn, nhưng sản phẩm làm ra không biết tiêu thụ nơi đâu, trong khi nhu cầu của thị trường trong nước có giới hạn khiến người dân muốn theo nghề mà “lực bất tòng tâm”. Vì vậy, chính quyền và người dân nơi đây rất mong các sở, ban ngành TP tạo điều kiện quảng bá thương hiệu mành tre tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong nước, quốc tế để bạn bè, du khách thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á – nơi có tiểu khí hậu tương đồng với Việt Nam biết đến, tạo cầu nối giao thương để mành tre Vân Lũng từng bước đi xa.