Mặt bằng kinh doanh thương mại: Khó phục hồi sớm

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù UBND TP Hà Nội đã chính thức cho phép hầu hết các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhà hàng ăn uống... được trở lại hoạt động, nhưng trên thực tế tỷ lệ bỏ trống mặt bằng kinh doanh trên địa bàn vẫn ở mức cao. Theo đánh giá phân khúc mặt bằng cho thuê kinh doanh thương mại ít nhất phải đến quý I/2022 mới có thể phục hồi.

Kinh doanh gặp khó
Sau gần 1 tuần UBND TP Hà Nội cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn được phép đón khách tại chỗ đảm bảo biện pháp an toàn, không quá 50% chỗ ngồi. Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị ở những khu vực: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng... nhiều mặt bằng kinh doanh thương mại, gồm: mặt bằng bán lẻ, kinh doanh lưu trú, trung tâm thương mại... vẫn đóng cửa do không có khách thuê.
Anh Nguyễn Hạnh Phúc, chủ một mặt bằng cho thuê kinh doanh thời trang trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) cho biết, trong suốt quý III/2021 do thực hiện giãn cách xã hội nên mặt bằng phải đóng cửa, thời gian này anh cũng liên tục treo biển cho thuê nhưng không có khách thuê. “Sau khi TP Hà Nội cho phép hoạt động kinh doanh, dịch vụ mở cửa trở lại tôi đã phải giảm giá mặt bằng xuống còn 20 triệu đồng/tháng, bằng 2/3 so với thời điểm đầu năm, nếu khách thuê trả tiền cả năm sẽ giảm xuống 18 triệu đồng/tháng, nhưng gần 1 tuần nay không có khách nào hỏi thuê” – anh Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.
Mặt bằng kinh doanh cho thuê vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Quận Hoàn Kiếm là khu vực sầm uất nhất của Hà Nội đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ, hiện tại nhiều chủ mặt bằng còn cam kết miễn phí tiền thuê từ nay đến hết năm, nhưng vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm. “Tôi có 1 căn nhà 2 tầng rộng khoảng 30m2/sàn, mấy tháng nay đóng cửa không hoạt động nên cần phải sơn, sửa lại, nếu khách đồng ý tự sửa chữa tôi sẽ miễn tiền thuê từ nay đến hết năm và cam kết chỉ lấy 50% tiền thuê trong 6 tháng tiếp theo nếu như dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn” – chị Nguyễn Thị Lành, chủ một mặt bằng cho thuê phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm) cho hay.
Cùng hoàn cảnh, mặt bằng kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng đang gặp nhiều khó khăn, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Nam Đăng Lê Xuân Vinh cho biết, mặc dù TP Hà Nội đã cho phép hoạt động khoảng 50% công suất, nhưng tỷ lệ trống phòng vẫn ở mức cao. “Nhiều khách sạn cả tuần nay mở cửa không có lấy 1 khách thuê, do hoạt động du lịch chưa trở lại, tâm lý người dân vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng về dịch bệnh, thời điểm này ngoài công việc bắt buộc, chưa ai muốn đi du lịch. Chúng tôi vẫn phải đề xuất chủ mặt bằng hỗ trợ giảm hoặc miễn tiền cho thuê” – ông Lê Xuân Vinh nói.
Đối với mặt bằng trung tâm thương mại cho thuê, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Số liệu báo cáo của CBRE Việt Nam, từ đầu quý III/2021 đến nay thị trường không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động. Giá chào thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm thành phố tiếp tục giảm để hỗ trợ khách thuê do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, giá chào thuê trung bình 24 đô la Mỹ/m2/tháng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ trống tăng 3,8% theo năm. Trung tâm thương mại khu vực Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, tỷ lệ trống 35 - 45%, số còn lại hầu như chỉ mở cửa để duy trì hoạt động.
Cần đẩy nhanh “chiến dịch” vaccine
Giai đoạn hiện nay, thương mại điện tử làm thay đổi thói quen mua hàng của người dân, nên nhu cầu thuê mặt bằng giảm là tất yếu. Cùng với đó, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài khiến hoạt động kinh doanh của các mặt bằng thương mại không thể trụ vững, khách thuê đồng loạt trả lại bằng bằng, dẫn đến hệ quả khân khúc cho thuê thừa nguồn cung, giá thuê giảm.
Theo Phó Tổng giám đốc DKRA Việt Nam Trần Hiếu, thị trường BĐS cho thuê vẫn đang hết sức trầm lắng, sự phục hồi phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 của các tỉnh, thành. “Nếu tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh trong năm nay, thị trường sẽ phục hồi trở lại thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhưng dự báo khả quan nhất sẽ bắt đầu phục hồi từ sau Tết năm 2022”  - ông Trần Hiếu nhận định.
Các chuyên gia đều chung quan điểm, dịch vụ lưu trú, mặt bằng văn phòng, nhà đất cho thuê... đang cực kỳ khó khăn, nhưng không phải một thời điểm ngắn, mà kéo dài, chưa thể đánh giá được thiệt hại, việc chủ đầu tư, chủ mặt bằng cho thuê giảm giá nhưng không cứu vãn được tình thế. Vì vậy, mức độ phục hồi của BĐS cho thuê phụ thuộc vào mức độ phục hồi nền kinh tế.
Mặt khác, trong khảo sát 500 đơn vị, cá nhân thuê mặt bằng mới đây của Hội môi giới BĐS Việt Nam, trên 70% thông tin họ không được hỗ trợ miễn giảm tiền thuê. Vì vậy, đại diện Hội môi giới BĐS cho rằng cần phải tiếp tục giảm giá cho thuê, nếu khung giá vẫn còn cao, khách hàng sẽ bỏ để đi tìm mặt bằng khác, lúc đó chính những chủ mặt bằng sẽ gặp khó khăn.
Ngày 25/9 vừa qua Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Qua đó giảm 30% cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Phía các đơn vị đi thuê kinh doanh mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ những chủ đầu tư, chủ mặt bằng.

"Các tổ chức, cá nhân cần chung tay hỗ trợ người thuê mặt bằng. Từ cửa hàng kinh doanh đến doanh nghiệp lớn sau tổn thất nặng nề do tác động của dịch Covid-19 đều yếu về tài chính, giá thuê nhà đất chi phí vẫn cao thì rất khó cho khởi động trở lại" – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, Nguyễn Văn Đính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần