Quyết tâm của ông Erdogan
Tổng số người tử vong ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria liên quan tới động đất đã vượt 41.000 người, trong khi nhiều người sống sót đang hứng chịu thời tiết khắc nghiệt đóng băng và lâm vào cảnh vô gia cư.
Hơn 105.000 người bị thương trong trận động đất và hơn 13.000 người vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Thêm vào đó, hàng chục nghìn tòa nhà đã bị phá hủy tạo ra đống đổ nát khổng lồ. Tổng thống Erdogan cho biết việc đánh giá thiệt hại của các tòa nhà sẽ được hoàn thành trong một tuần và việc tái thiết sẽ bắt đầu trong vài tháng tới.
"Chúng tôi sẽ xây dựng lại tất cả các ngôi nhà và nơi làm việc đã bị động đất phá hủy hoặc không thể ở được và bàn giao chúng cho chủ sở hữu hợp pháp", ông nói thêm.
Các quan chức Liên Hợp quốc cho biết giai đoạn giải cứu sắp kết thúc, với trọng tâm chuyển sang cung cấp nơi trú ẩn, thực phẩm và trường học đáp ứng nhu cầu người dân bị ảnh hưởng và tị nạn. Hans Henri P. Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tại Châu Âu cho biết: “Nhu cầu rất lớn và tăng lên từng giờ. Khoảng 26 triệu người ở cả hai quốc gia cần hỗ trợ nhân đạo".
Mất bao nhiêu lâu để tái thiết?
Trận động đất tồi tệ nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thế kỷ qua đã để lại dấu vết tàn phá có thể khiến nước này thiệt hại tới 84,1 tỷ USD, theo báo cáo mới công bố của Liên đoàn Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đó, chi phí thiệt hại có thể lên tới 84,1 tỷ USD - trong đó 70,8 tỷ USD dành cho việc sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà, 10,4 tỷ USD do mất thu nhập quốc gia và 2,9 tỷ USD do mất ngày làm việc.
Chi phí chính sẽ dành cho việc xây dựng lại nhà ở, đường dây truyền tải điện và cơ sở hạ tầng, đồng thời đáp ứng nhu cầu trú ẩn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.
Câu hỏi đặt ra là liệu mục tiêu tái thiết hiện tại của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong một năm có thể đạt được hay không, trong khi đó, tại Syria, các nỗ lực tái thiết sẽ còn phức tạp hơn.
Caroline Holt, giám đốc phụ trách thảm họa, khí hậu và khủng hoảng của Phong trào Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết: “Chúng ta có một cơn bão nhân đạo ở Syria".
Liên Hợp quốc ước tính hơn 4 triệu người phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Syria do quân nổi dậy kiểm soát, do cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước này kể từ năm 2011.
Với tình trạng thiếu máy móc và công nghệ, hầu hết công tác giải cứu tại Syria "được thực hiện bằng tay”, theo Mohammad Hammoud, giám đốc Hội Chữ thập đỏ Na Uy tại Syria.
Những khác biệt này đồng nghĩa với quá trình phục hồi của Syria sẽ tiến triển theo trình tự dài và phức tạp hơn.
Giám đốc IFRC ước tính rằng tại Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn công việc phục hồi sẽ được thực hiện trong vòng hai đến ba năm. Nhưng ở Syria, “chúng tôi đang xem xét khung thời gian từ 5 đến 10 năm chỉ để tiến hành phục hồi”, bà Caroline Holt chia sẻ.