Quá tải
Số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2017 dân số trên địa bàn Thủ đô đã đạt mức trên 7,6 triệu người, dự báo đến năm 2020 dân số Hà Nội tăng lên khoảng 8 triệu người (chưa tính dân số ngoại tỉnh thường xuyên lưu trú tại địa bàn), trên tổng diện tích khoảng 3.324km2, bình quân mật độ dân số của Thủ đô xấp xỉ 2.300 người/km2.
Tuy nhiên, đó là mức bình quân chung, còn con số thống kê có sự chênh lệch lớn giữa các quận nội thành và khu vực ngoại thành, dân số thành thị là 3,7 triệu người, chiếm 49,2%. Bình quân các quận nội thành, mật độ dân số đã lên tới trên 40.000 người/km2, đặc biệt ở các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân... trong đó cao nhất là quận Đống Đa 42.171 người/km2, thấp nhất là quận Long Biên 4.840 người/km2. Ước tính mỗi năm dân số trên địa bàn Thủ đô tăng thêm khoảng 200.000 người, mức tăng xấp xỉ 3%/năm. Sự gia tăng dân số hiện nay dựa vào hai hình thức: tăng dân số cơ học tại chỗ và tăng dân số do quá trình di cư, chuyển dịch từ nơi khác đến.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Thục – Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư, việc tăng dân số có tác động tích cực vào việc làm tăng lực lượng lao động trẻ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt nguồn lao động trẻ là những người có điều kiện tiếp thu thành tựu của công nghệ một cách nhanh chóng. Dựa vào nguồn dân số trẻ có thể phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế tri thức.
Còn đối với nguồn lao động đến từ các tỉnh thành lân cận, sẽ giúp bù đắp cho Hà Nội sự thiếu hụt về lao động trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là những ngành nghề đang cần lực lượng lao động phổ thông.
Dân số đô thị giữ vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, trình độ, năng lực của lao động đáp ứng được yêu cầu trong quá trình sản xuất làm ra được những sản phẩm có giá trị; Đồng thời dân số đô thị cũng là đối tượng kích cầu tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, để đảm bảo sự tuần hoàn trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, một thực trạng có thể dễ dàng nhìn thấy, gia tăng dân số dẫn đến sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nảy sinh những vấn đề về giao thông, nhà ở, trường học, ô nhiễm môi trường, trật tự xã hội... mọi dịch vụ công cộng để phục vụ đời sống của người dân đều trở nên quá tải, dẫn đến chất lượng cuộc sống không được đảm bảo.
Tận dụng tối đa ưu thế vị trí
Theo TS. KTS Hoàng Hữu Phê – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mật đô dân số trong nội đô của Hà Nội đang ở mức cao, nhưng thực tế nhiều TP trên thế có mật đố dân số cao hơn rất nhiều. Ví dự như TP Dhaka (Bangladesh), mật độ dân số bình quân là 45.000 người/km2, một số khu vực nội đô, mật đô dân số lên tới 1.000.000 người/km2, tức cao gấp khoảng 30 lần so với Hà Nội.
“Nhiều TP ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng có xu hướng phát triển đô thị là những khu vực có mật đô dân số cao (hay còn được gọi là đô thị nén). Trong khi đó, ở Việt Nam, sự quá tải về cơ sở hạ tầng đang bị nhiều ý kiến cho rằng đó là kết quả của sự gian dối trong tính toán các chỉ tiêu quy hoạch để có thể đạt được lợi nhuận tối đa hoặc là sự tác động của cơ chế “xin – cho” đáng nên án trong quá trình xây dựng phát triển đô thị” - TS. KTS Hoàng Hữu Phê nói.
Cũng theo TS. KTS Hoàng Hữu Phê, để giải quyết vấn đề mật độ dân cư trong các đô thị lớn nói chung và tại Thủ đô Hà Nội nói riêng cần phải tập trung vào việc sử dụng tối đa những ưu thế về vị trí tại các khu đô thị, các khu dân cư. Biến thiết kế của các đô thị mới trở thành một cực phát triển trong quá trình Hà Nội chuyển dịch từ đơn cực thành đa cực (đa cực là quá trình xây dựng các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị mới đã được thể hiện trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050).
Những khu đô thị mới, đô thị vệ tinh sẽ tạo ra cho Hà Nội một phong cách mới liên quan đến nhà ở và các công trình cao tầng. Toàn bộ các tầng gần với mặt đất sẽ được sử dụng vào mục đích công cộng. Mật độ dân cư đô thị được thể hiện qua nhiều góc nhìn khác nhau, đó là: Góc nhìn về khoa học môi trường, góc nhìn về phát triển bền vững hay góc nhìn dưới sự cạnh tranh đô thị. “Trong đó, góc nhìn về cạnh tranh đô thị được đánh giá là nền tảng của những phát minh và sáng tạo, tạo ra nền kinh tế tri thức cho đô thị, điều này chỉ có khi mật độ dân số đạt tới hạn nào đó ở mức cao” - TS. KTS Hoàng Hữu Phê nhấn mạnh.