Để chủ động phòng chống căn bệnh trên, mỗi người dân cần thận trọng việc lựa chọn thịt lợn trong các bữa ăn, đặc biệt “nói không” với các món thịt lợn tái, tiết canh lợn.
Nhiều trường hợp biến chứng, tử vong
Cách đây chưa đầy một tuần, bệnh nhân N.H.T (35 tuổi, Lai Châu) đã phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư vì sốc nhiễm trùng nặng do nhiễm liên cầu lợn. Trước đó, anh T. đã mua một con lợn “cắp nách” về và tự giết mổ, chế biến, làm tiết canh. Sau khi ăn 5 ngày, anh T. bị sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử. Bệnh nhân được chuyển từ BV Đa khoa tỉnh Lai Châu đến BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Hiện bệnh nhân tỉnh táo nhưng vẫn còn tình trạng sốc, có ban hoại tử ở toàn thân, tắc mạch hoại tử đầu ngón chân, ngón tay, rối loạn đông máu nặng. Khoảng giáp Tết năm 2016, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng liên tục tiếp nhận các trường hợp sốc nhiễm trùng nặng do nhiễm liên cầu lợn. “Nguồn cơn” gây ra nhiễm liên cầu lợn đều do thói quen ăn tiết canh hay những món chưa nấu chín như lòng, tràng lợn luộc tái.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2016, trên toàn TP đã ghi nhận 13 ca nhiễm liên cầu lợn. Trong đó, 1 trường hợp tại Ba Trại, Ba Vì đã tử vong, nguyên nhân là do ăn tiết canh lợn. Bệnh nhân mắc liên cầu lợn phân bố tại 9/30 quận, huyện và 13/584 xã, phường, chủ yếu tập trung ở vùng ngoại thành. Tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phụ trách Khoa Cấp cứu cho biết, hàng năm, BV tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, phần lớn đều liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn. Đặc biệt, vào các dịp giáp Tết và sau Tết, số ca mắc thường có xu hướng tăng lên. “Mấy năm gần đây người dân đang có xu hướng săn lùng lợn ở các vùng núi, dân tộc vì nghĩ đây là lợn “sạch”, trong khi đó vi khuẩn liên cầu có thể cư trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh cho lợn nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho con người” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Thận trọng khi giết mổ lợn
Theo các chuyên gia y tế, liên cầu lợn là vi khuẩn có thể có trong hầu, họng, da, đường tiêu hóa và sinh dục của một số con lợn lành, thường gặp hơn ở lợn bệnh. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Thể viêm màng não thường kèm theo giảm thính lực, có thể gây điếc không hồi phục. Ở thể sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân thường có phát ban xuất huyết thành từng đám lan tỏa kèm theo rối loạn đông máu nội mạch rải rác dễ tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong từ 5 - 20%, nếu khỏi thì thời gian hồi phục thường kéo dài. Theo thống kê, đến 40% bệnh nhân sau nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện giảm thính lực. Việc phục hồi thính lực là khác nhau ở từng người, thậm chí có người bị điếc vĩnh viễn. Thêm một điểm cần lưu ý là đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể.
Để phòng bệnh, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo người dân không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Người giết mổ động vật phải rửa tay sạch sau khi chế biến. Đáng lưu ý, người dân không nên ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ như mặc áo bảo hộ, đi găng tay và đeo khẩu trang để không cho virus xâm nhập vào cơ thể.