70 năm giải phóng Thủ đô

Mật ngọt trên đất Kim Sơn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Manh nha từ năm 1984, đến nay nghề nuôi ong lấy mật đang trở thành nguồn sinh kế quan trọng, giúp mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân ở xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.

Nghề nuôi ong lấy mật mang lại thu nhập khá cho người dân xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.
Ở xã Kim Sơn, gia đình ông Nguyễn Văn Nam là một trong những hộ đầu tiên bắt tay vào nuôi ong lấy mật. Với quy mô hơn 500 đàn ong, doanh thu mỗi năm của gia đình ông Nam đạt không dưới 700 triệu đồng. Không chỉ hộ ông Nam, hàng trăm gia đình nơi mảnh đất vùng đồi gò bán sơn địa này cũng đang sống khỏe nhờ nghề nuôi ông lấy mật. Thống kê của UBND xã Kim Sơn cho thấy, trên địa bàn hiện có khoảng 2.500 đàn ong, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 40.000 lít mật ong.
Để hỗ trợ các nông hộ hoàn thiện quy trình sản xuất, UBND xã Kim Sơn đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật thuộc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn. Hiện, tổ hợp tác với 35 thành viên, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc ong lấy mật; đặc biệt là hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn Nguyễn Xuân Quyền cho biết, cùng với tập huấn kỹ thuật, hàng năm, UBND thị xã Sơn Tây đã hỗ trợ thành viên hợp tác xã 300 đàn ong và 1.000 vỏ thùng ong. Nhãn hiệu tập thể “Mật ong Kim Sơn” cũng đã được xây dựng, phát triển từ năm 2018.

Vừa qua, mật ong của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn là một trong những sản phẩm của thị xã Sơn Tây tham gia đánh giá, chấm điểm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), được Hội đồng OCOP TP Hà Nội phân hạng 4 sao. Đây là tiền đề để mật ong Kim Sơn khẳng định thương hiệu, tiếp tục vươn đến những thị trường xa hơn.

Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Lê Thị Chính cho biết, địa thế đồi gò bán sơn địa, nhiều rừng cây là một lợi thế của địa phương trong việc phát triển đàn ong lấy mật. Nghề có vốn đầu tư thấp nhưng đang góp phần cải thiện đời sống cho hàng trăm nông hộ. Thu nhập bình quân của người dân hiện đạt hơn 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm nhanh qua các năm, hiện còn dưới 1% là bởi có đóng góp quan trọng từ nghề nuôi ong lấy mật.

Dù hiện nay việc tiêu thụ mật ong Kim Sơn vẫn khá ổn định, tuy nhiên người dân địa phương mong muốn các sở, ngành của TP và UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục mở thêm các lớp đào tạo về kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình. Đặc biệt, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ với sự tham gia của DN nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm mật ong Kim Sơn.