Mới đây, vụ việc Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1973, ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) cùng 2 đồng phạm đúc nhiều cục bê tông giả thành những cuộn thép không gỉ rồi đem thế chấp để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng được đưa ra xét xử đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các NH trong việc thẩm định trước khi cho vay vốn.
Đúc 90 cục bê tông giả thép…
Bị cáo Hùng bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Giữ vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị cáo này là Đào Thị Liên (SN 1974, ở phường Nguyễn Du, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) và Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1981, ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai).
Theo cáo trạng truy tố, ngày 7/3/2013, NH TMCP Bảo Việt – Chi nhánh Hà Nội (BaoViet Bank) gửi đơn tố cáo Hùng đến Cơ quan CSĐT – Công an quận Hoàng Mai vì đã có hành vi dùng tài sản là các cục bê tông giả thép không gỉ làm tài sản đảm bảo thế chấp để vay vốn và chiếm đoạt tiền. Trong quá trình điều tra, NH TMCP Nam Á (NamA Bank) và NH TMCP Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng làm đơn tố cáo Hùng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra đã xác định, năm 2003, Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại và cơ khí Mạnh Hùng (Công ty Mạnh Hùng) được thành lập gồm 2 cổ đông: Nguyễn Mạnh Hùng là giám đốc, và Nguyễn Mạnh Hồng (em trai Hùng). Sau đó, Công ty Mạnh Hùng kinh doanh theo mô hình thuê nhân công thị trường; hoạt động không có kế toán trưởng, thủ kho, thủ quỹ và có 3 kho hàng hóa. Năm 2010, Hùng thành lập thêm 2 công ty: Công ty TNHH Cơ kim khí Việt Nam và nhờ Đào Thị Liên làm giám đốc kiêm kế toán; Công ty CP Chế tạo thiết bị môi trường Việt Nam và nhờ Nguyễn Thị Thanh Xuân (em gái Hùng) đứng tên làm Chủ tịch HĐQT.
Sau khi thành lập thêm 2 công ty này, Hùng đã sử dụng tư cách 2 pháp nhân trên để đăng ký con dấu, in hóa đơn giá trị gia tăng và mở tài khoản tại các NH. Tuy nhiên, trên thực tế, 2 công ty trên không có việc góp vốn, không có hoạt động kinh doanh và không có hàng hóa. Mọi hoạt động ký kết hợp đồng kinh tế đều do Hùng đứng ra điều hành và quản lý con dấu.
Trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh, Công ty Mạnh Hùng đã lập hồ sơ vay vốn của 3 NH: BaoViet Bank, NamA Bank và HDBank. Để được cấp hạn mức tín dụng và vay vốn tại các NH này, Công ty Mạnh Hùng đã dùng tài sản: Bất động sản của bên thứ ba và hàng hóa là thép không gỉ (inox) dạng cuộn nguyên đai, nguyên kiện (mới 100%) làm tài sản đảm bảo thế chấp. Đối với các hợp đồng kinh tế mua bán inox giữa Công ty Mạnh Hùng và 2 công ty được thành lập sau đều do Hùng tự soạn thảo. Hùng sử dụng các mẫu chữ ký của Liên và Xuân được khắc sẵn đóng vào các hợp đồng. Đồng thời, chỉ đạo Liên và Xuân ký khống trên các hóa đơn mua bán hàng.
Để có hàng hóa làm tài sản thế chấp, Hùng thuê nhân công lao động thời vụ đúc 90 cục bê tông có hình dạng giống các cuộn thép (bên trong bê tông đúc, bên ngoài được bọc thép) đóng đai, đóng kiện. Sau đó, Hùng tự tay in tem xuất nhập khẩu có ghi thông số và dán lên các cục bê tông giả thép không gỉ rồi chứa ở kho của Công ty Mạnh Hùng thể hiện việc mua bán.
… chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng
Cũng theo truy tố, khi Hùng nộp hồ sơ vay vốn, cả ba NH trên đều cử cán bộ thẩm định số thép không gỉ nhưng đều không phát hiện đó là giả. Thậm chí, các NH còn... thuê cả bảo vệ xuống trông số bê tông này. Sau đó, Hùng sử dụng các dấu khắc sẵn và chuyển cho Liên, Xuân ký để rút tiền. Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2011 - 2012, các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng của 3 NH. Trong đó, BaoViet Bank bị lừa gần 20 tỷ đồng, NamA Bank bị lừa hơn 7,6 tỷ đồng và HDBank bị lừa hơn 3,4 tỷ đồng.
Cụ thể, từ ngày 23/9/2011 - 5/3/2012, Hùng đã dùng thủ đoạn gian dối tự tạo ra 47 cục bê tông giả thép inox thế chấp vay tiền của BaoViet Bank số tiền gần 20 tỷ đồng và chiếm đoạt. Tương tự, từ ngày 18/11/2011 - 18/1/2012, Hùng sử dụng 29 cục bê tông giả thép thế chấp cho NamA Bank thông qua 4 khế ước nhận nợ vay số tiền 7,6 tỷ đồng. NamA Bank sau đó đã thuê Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Minh Đức bảo vệ hàng hóa, tài sản thế chấp của Công ty Mạnh Hùng. Tiếp đó, từ ngày 15/7 - 3/8/2011, Hùng sử dụng 11 cục bê tông giả thép inox thế chấp cho HD Bank vay số tiền 3,4 tỷ đồng. Công ty Mạnh Hùng mới chỉ thanh toán được 1,2 tỷ đồng.
Ngày 3/3/2013, BaoViet Bank nhận được thông báo từ công ty bảo vệ về việc phát hiện số cuộn thép trong kho không còn, chỉ còn lại 5 cuộn nhỏ và nhiều ống bê tông giống cuộn inox. Sau đó, phía BaoViet Bank đã trình báo công an về việc phát hiện nhận tài sản giả. Đồng thời, HD Bank và NamA Bank cũng tiến hành báo công an.
Tại cơ quan điều tra, Hùng khai nhận, năm 2010, do sản xuất kinh doanh kém và công ty không có vốn sản xuất, để đáo hạn cũng như tất toán các khoản vay, khi phát hiện quy trình sơ hở trong việc kiểm tra tài sản thế chấp là cán bộ tín dụng không mở bao bì các cuộn thép mà chỉ kiểm tra bằng mắt thường nên Hùng nảy sinh ý định lừa đảo. Đối với cán bộ thẩm định của 3 NH nói trên, CQĐT cho rằng, họ đã không phát hiện được số cuộn thép thực chất chỉ là bê tông khiến NH thất thoát vốn. Tuy nhiên, hành vi của họ không phải nguyên nhân trực tiếp nên không cần xử lý hình sự.
Tại phiên tòa, bị cáo Hùng đã không thành khẩn khai nhận mà vẫn quanh co chối tội. Tuy nhiên, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan và lời khai tại tòa, HĐXX có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Hùng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ những nhận định này, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Hùng mức án tù chung thân, Đào Thị Liên: 7 năm 6 tháng tù và Nguyễn Thị Thanh Xuân: 8 năm tù, cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cảnh báo
Có thể nói, những vụ lừa đảo, thất thoát tài sản liên quan tới các NH thì dù nhân viên NH thực hiện hay do thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng đều cho thấy lỗ hổng trong nghiệp vụ. Để xảy ra điều này, uy tín của NH bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong trường hợp là bị hại, NH rất khó thu hồi số tiền thất thoát.
Theo tìm hiểu, hiện nay, một số NH vẫn sử dụng nhân viên tín dụng cho cả nghiệp vụ thẩm định phương án cho vay và thẩm định khả năng trả nợ. Vì vậy, theo khuyến nghị của các chuyên gia, các NH không nên đặt hết niềm tin vào cán bộ tín dụng mà nên tách riêng 2 nghiệp vụ nói trên và cần có ban định giá tài sản độc lập.
Bên cạnh đó, việc quản lý theo hạn mức phân cấp, phân quyền cần chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, có NH quản lý chặt chẽ và chỉ cho phép giám đốc chi nhánh quyết định khoản vay từ 500 triệu đồng trở xuống, còn những khoản vay lớn hơn phải trình hội sở chính. Tuy nhiên, cũng có NH cho phép giám đốc chi nhánh quyết khoản vay lên tới vài chục tỷ đồng và khi có rủi ro xảy ra thì thiệt hại rất lớn. Cụ thể, điều này đã từng xảy ra tại một NH thương mại quốc doanh khi giám đốc một chi nhánh với hạn mức bảo lãnh được phép 70 tỷ đồng đã cố tình vi phạm và gây thất thoát tới vài trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong thời kỳ NH tăng trưởng nóng và phát triển mạng lưới nhanh chóng thì việc tuyển nhân viên ồ ạt là không tránh khỏi. Và sau khi tuyển dụng lại không chú trọng đúng mức đến công tác đào tạo nhân viên khiến họ không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp… Tuy nhiên, điều cốt yếu là phải tăng cường công tác quản trị để bịt lỗ hổng dẫn tới sai phạm cả từ trong và ngoài NH.
Liên quan đến vấn đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NH, ngày 27/12/2016, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT NH TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và 35 đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Sau 14 ngày đưa ra xét xử, HĐXX đã tuyên bố nghỉ để nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 24/1 tới. |