Màu áo tôi yêu

Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đêm qua (5/8), khi đọc được bức “Tâm thư” đăng trên Facebook của bạn Nguyễn Duy Bắc - Bí thư Đoàn xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) được viết vội trong khu cách ly, có lẽ tôi và nhiều anh em cán bộ Đoàn – Hội cùng chung tâm trạng: Thương, lo lắng nhưng cũng rất đỗi tự hào. Bắc cùng một vài anh em thanh niên tình nguyện của xã bị nhiễm Covid khi đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch tại địa phương…

Mặt trận nào cũng có bóng áo xanh
Sự việc và dòng status của Bắc nhận được nhiều động viên, chia sẻ và cám ơn từ cộng đồng xã hội. Song vẫn có đâu đó những ý kiến, lời bàn tán, hoài nghi và thậm chí mỉa mai về hoạt động tình nguyện. Và lạ thay, những ý kiến mà tôi gọi là “vô cảm” ấy không phải xuất phát từ người thân, gia đình của những “chiến sĩ thanh niên tình nguyện”.
Đoàn viên thanh niên xuyên đêm tham gia chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19.
Từ những ngày đầu chống dịch, chúng tôi – lực lượng đoàn viên thanh niên cả nước, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và ngành dọc từ T.Ư đến địa phương cùng chung sức lập nên một phòng tuyến áo xanh với đầy đủ các nhiệm vụ.
Từ việc nhỏ như vác loa kéo, loa tay đi khắp các phố làng để tuyên truyền cho Nhân dân; xây dựng các sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội; tham gia vào tổ Covid cộng đồng để “đi từng ngõ gõ từng nhà”; đi xin từng hộp khẩu trang, lọ nước khử khuẩn, chai nước lọc, hộp sữa hút… phát miễn phí tại các điểm công cộng; vận chuyển đồ đạc, thức ăn trong các khu cách ly cho bệnh nhân; tham gia các chốt kiểm dịch, phong tỏa; đến những việc khó hơn như thành lập các siêu thị, gian hàng miễn phí, ATM nhu yếu phẩm, các chương trình vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, giải cứu nông sản…
 Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Đức Tiến tặng quà cho lực lượng tham gia chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19.
Đoàn viên thanh niên còn nấu hàng triệu bữa cơm hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn; điều phối hướng dẫn người dân lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện nhập liệu thông tin của người dân liên quan đến tầm soát dịch; tham gia nghiên cứu các sản phẩm, thiết bị hỗ trợ phòng chống dịch… Mặt trận nào, lĩnh vực nào cũng có bóng áo xanh.   
Tiếp tục tình nguyện, cống hiến và không ngại hy sinh
Việc một số anh em thanh niên tình nguyện bị “tai nạn” khi tham gia vào “cuộc chiến” này không phải là mới, bởi lĩnh vực nào, mặt trận nào chẳng có yếu tố rủi ro, nhất là đương đầu với kẻ thù vô hình.
Ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là những địa phương vùng dịch, đã có rất nhiều tấm gương thanh niên quên mình với mong muốn được làm việc có ích, đóng góp chút sức trẻ cho cộng đồng, xã hội.
 Màu áo xanh thanh niên tình nguyện có mặt trên khắp các mặt trận, lĩnh vực.
Khi tham gia phòng chống dịch, chúng tôi có sợ không? Có lo lắng không? Có suy nghĩ không? Nếu câu trả lời là “không” thì là lời nói không thật. Bởi phía sau, ai cũng có gia đình, cuộc sống và cả tương lai.
Nhưng nếu ai cũng sợ, cũng ngại, cũng e dè, thì lấy ai tiếp sức cùng hệ thống chính trị, tuyến đầu chống dịch? 
Trong đội quân mặc áo xanh của tổ chức Đoàn, là tập hợp những thanh niên tình nguyện từ khối dân cư, trường học; là màu áo trắng của các y bác sĩ trẻ, sinh viên khối các trường y dược; là màu áo lính của các chàng trai thanh niên quân đội, công an; cả áo cổ cồn đeo cà vạt của thanh niên công sở, DN, doanh nhân và tất cả những người trẻ có mong muốn và yêu thích tình nguyện…
Tham gia vào cuộc chiến ấy, họ lấy nụ cười của người bệnh, sự an toàn của người dân là niềm vui của bản thân… Nhiều bạn sinh viên khối các trường y dược, thanh niên công an, quân đội đã đi hết từ vùng dịch này đến tâm dịch khác.
 Dù dãi nắng, dầm mưa nhưng các "chiến sĩ áo xanh" vẫn hết mình tham gia tình nguyện vì cộng đồng.
Có những bạn một ngày tham gia bốc hàng tấn hàng đến mức ngất xỉu tại vị trí; có những bạn thanh niên vượt hàng trăm cây số tình nguyện làm việc tại tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh; có những bạn bố, mẹ mất cũng không thể trở về chịu tang…
Và có cả những tấm áo xanh đã mãi nằm xuống như tấm gương bạn Hoàng Văn Tuấn ở Chí Linh, Hải Dương, bị tại nạn trong đêm khi đang trên đường về nhà sau khi tham gia ca trực chốt. Bạn ra đi để lại vợ trẻ, bố mẹ già yếu và khoản nợ vài trăm triệu đồng chi phí điều trị. Lúc còn sống, ban ngày Tuấn đi làm thêm đủ nghề, ban đêm tham gia tình nguyện.
Vất vả, nguy hiểm, rủi ro là thế, nhưng chưa lúc nào bệnh dịch, khó khăn làm giảm đi nhiệt huyết sức trẻ. Dịch càng lan rộng và nguy hiểm, chúng tôi lại càng quyết tâm hơn, sáng tạo hơn. Tham gia vào cuộc chiến ấy chúng tôi thấy mình lớn hơn, được sống như những đóa hoa thơm.
 Nhiều hoạt động ý nghĩa được Đoàn thanh niên các cấp triển khai, mang lại hiệu ứng tích cực.
Tham gia vào cuộc chiến ấy, chúng tôi được lợi ích gì? Xin thưa, không hề có chút lợi ích vật chất hay thù lao gì. Đã là tình nguyện thì không màng chế độ hỗ trợ, lợi ích. Cái lợi lớn nhất chính là sức khỏe cộng đồng, là được dõng dạc hát câu: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay? 
Trong gian khó mới tỏ lòng nhau, trong nghịch cảnh, mới thấy tính ưu việt của chế độ ta; mới thấy người Việt Nam đã tuyệt vời lại càng tỏa sáng; mới thấy vai trò, uy tín, vị trí của màu áo xanh, của tổ chức Đoàn Thanh niên – Hội Liên hiệp Thanh niên – Hội Sinh viên – Hội đồng Đội ngày càng được đề cao và ghi nhận.
Cuộc chiến này sẽ còn dài, cả nước cùng chống dịch; khoác trên mình tấm áo xanh, lớp trẻ nói chung và thanh niên tình nguyện nói riêng sẽ tiếp tục như những con sóng Biển Đông, lớp lớp xô bờ tạc hình Đất Mẹ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tình nguyện, cống hiến và không quản hy sinh. Để ca khúc Khát vọng tuổi trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng không chỉ là lời ca, không chỉ là khẩu hiệu.

Viết xong những dòng này, tôi sẽ đi hiến máu tình nguyện tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Nhiều người bệnh đang rất cần máu. Giãn cách không làm ta xa cách.