Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Mẫu số chung" cho những thành phố hai bên sông

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ kinh đô ánh sáng Paris của Pháp, London cổ kính của Anh, đến New York phồn thịnh của Mỹ hay thủ đô Seoul sôi động của Hàn Quốc, những TP ven sông hàng đầu thế giới đều cho thấy bài học kinh nghiệm về công tác quy hoạch không gian 2 bên bờ sông, đảm bảo sự thuận tiện về thủy lợi, nét hài hòa trong kiến trúc, cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.

London nhìn từ trên cao.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh, các nền văn minh cổ đại của thế giới đều được hình thành tại lưu vực các con sông lớn. Trong khi cư dân thượng lưu ở các quốc gia phát triển cho thấy xu hướng chọn sinh sống tại các đô thị ven sông. Tiêu biểu như TP New York của Mỹ bên dòng Hudson; Paris của Pháp bám 2 bờ sông Seine; Melbourn - luôn lọt top “TP đáng sống nhất” ở Australia - hình thành nơi hạ lưu sông Yarra.
Ở châu Á, tiêu biểu có thể kể đến mô hình đô thị hóa sinh thái khu vực ven sông Hàn ở Seoul, Hàn Quốc. Cùng với đó, giá bất động sản ven sông tại các TP lớn trên thế giới ước tính thường cao hơn khoảng 10-50% so với khu xa bờ.
Đáng nói, những thực tế trên đã cho thấy tầm ảnh hưởng rõ nét đối với chính sách phát triển không gian mở, không gian công cộng của mọi TP ven sông, mà “mẫu số chung” đều là hướng đến sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo với yếu tố tự nhiên - cách ứng xử với những con sông chảy qua đô thị.
London bên bờ sông Thames - Hài hòa và chủ động

Sông Thames là con sông lớn nhất nước Anh, với 2 bờ Nam - Bắc, chảy qua thủ đô London. Là một thành phần quan trọng trong cấu trúc của không gian đô thị London, sông Thames cho ta nhiều bài học về sự đa dạng loại hình kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, kết hợp mạng lưới giao thông phát triển đô thị theo hướng phi tập trung bên hai bờ sông.

Sự phát triển của London gia tăng trong thế kỷ XVII, trở thành TP lớn nhất thế giới giai đoạn 1831-1925. Những thập kỷ 1950, 60 và 70 là giai đoạn bùng nổ hàng loạt các công trình đủ kiểu loại ở London, đa dạng đến nỗi khó có thể định ra bất cứ phong cách kiến trúc đặc thù nào.
Tuy nhiên, sự sáng tạo này được cho luôn tuân thủ theo cấu trúc tự nhiên của ven sông, kết nối cảnh quan chung quanh và cảnh quan phát triển. Từ đó tạo ra những quần thể độc đáo, tuân theo các cơ cấu chức năng của đô thị, dần tạo thành kiến trúc cảnh quan ven sông đặc trưng cho TP. 
Về cơ bản, lõi đô thị London vẫn là những không gian hành chính, thương mại dịch vụ với nhiều quảng trường và lối đi ven sông. Chỉ trong quá trình phát triển sau này, một số công trình hiện đại mới được xây chen vào, nhưng luôn tuân theo những quy định đảm bảo sự hài hòa về phong cách, có khả năng kết nối giữa các giá trị kiến trúc cũ và mới. Kết quả, không gian ven sông Thames được ví như một cuốn sách lịch sử của sự phát triển đô thị, khi quá khứ và hiện tại được đan xen trong sự hài hòa của không gian kiến trúc.
Quan trọng nhất, London đã cho thấy sự chủ động trong quy hoạch chiến lược về phát triển kiến trúc cảnh quan ven sông, gắn liền với sự phát triển của hình thái kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật là hệ thống giao thông. Mật độ mạng lưới đường giao thông cao nhất ở khu vực lõi và giảm dần ra phía ngoài đô thị - tỷ lệ thuận với mật độ các công trình kiến trúc cổ.
Trong khi mật độ cây xanh và rừng ven sông tăng dần theo hướng từ lõi ra vùng ngoại vi. Sông Thames vừa là lá phổi xanh của London, là nguồn cung cấp nước chính, vừa là trục cảnh quan với nhiều công trình văn hóa, du lịch, di sản, công viên sinh thái tự nhiên bám dọc theo 2 bên bờ sông.
Seoul về đêm.
Seoul bên bờ sông Hàn - Kịp thời sửa sai

Sông Hàn dài 514km, chảy qua thủ đô Hàn Quốc rồi đổ ra biển Hoàng Hải. Ở địa phận Seoul, sông rộng tới 1km và có đến 25 cây cầu bắt qua. Trước khi công nghiệp hóa bắt đầu, cảnh quan và bản thân dòng sông Hàn thơ mộng được đánh giá có tầm thế sáng đẹp.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa Seoul - sớm phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khi không được tính toán chiến lược - đã biến con sông giữa lòng TP thành một cột trụ của thương mại, vận tải, thậm chí từng bị gọi là “ống cống” cho chất thải công nghiệp và dân sinh của TP. Cả lòng sông và 2 bên bờ sông Hàn trở thành điển hình cho tình trạng ô nhiễm.

Chỉ đến khi người Hàn Quốc bừng tỉnh, nhận ra giá trị đích thực của sông Hàn, nó mới được xem là báu vật trong lịch sử phát triển của thủ đô Seoul. Với quyết tâm sửa sai, con sông đã trở thành tâm điểm của nguồn tài trợ chính phủ cho môi trường trong suốt thời gian dài sau đó. Được làm sạch, sông Hàn hiện là “viên ngọc sinh thái” của thủ đô Seoul.

Bên cạnh đó, chính quyền TP cũng điều chỉnh quy hoạch để hướng sự phát triển kinh tế - xã hội ven sông Hàn, trong đó có tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan như xây dựng các cầu vượt khác nhau, kết hợp sử dụng đất theo hướng “xanh”... Ban đầu, công cuộc điều chỉnh quy hoạch chỉ nhằm đối phó với lũ lụt, chống ô nhiễm, nhưng về sau đã tiến tới khai thác các trật tự không gian mới, phát triển không gian công cộng và cung cấp thêm các cơ sở hạ tầng.
Đáng lưu ý, trước khi sông Hàn được làm sạch, trung tâm cũ của Seoul hầu như chỉ tập trung bên bờ Bắc, với các cung điện xưa, Văn phòng Chính phủ, trụ sở các tập đoàn, khách sạn và chợ truyền thống. Tuy nhiên hiện nay, các khu nhà ở thiếu kiểm soát ven sông đã dần được thay thế bằng các công trình văn hóa và không gian công cộng để thu hút người dân và khách du lịch một cách cân đối hơn. Các lối đi đoạn hạ lưu sông Hàn được dành riêng cho người đi bộ, xe đạp, công viên, nhà hàng…
Điều này cuối cùng đã làm tăng giá trị đất của thủ đô, trở thành minh chứng cho lý thuyết rằng quy hoạch đồng bộ theo hướng bảo vệ môi trường có khả năng làm tăng giá trị của các công trình và chất lượng cuộc sống.
Công viên bờ sông Hudson, New York.
New York bên bờ sông Hudson - Vì cộng đồng

Hudson, một dòng sông sâu bất thường dài khoảng 500km, chia đôi hai bờ Đông - Tây TP New York. Ngay cả khi chưa phát triển toàn diện như lúc này, giá bất động sản của New York đã ở mức ngất ngưởng so với các TP ven sông khác trên thế giới, với giá thuê nhà ở đây ước tính tương đương hơn 80% lương trung bình năm của người Mỹ.
Điều này khiến các không gian công cộng không tránh khỏi sự cạnh tranh gay gắt từ các lợi ích thương mại - thực trạng cuối cùng chỉ có thể được giải quyết bằng nhận thức và sự quyết tâm của chính quyền địa phương.

Theo Amanda Burden - cựu Giám đốc Sở Quy hoạch TP New York giai đoạn 2003 - 2012, bà và các đồng nghiệp đã phải đấu tranh trong suốt thời gian dài cho sự ra đời của loạt công viên có nhiều cây xanh và chỗ ngồi quanh khu vực ven sông đắt đỏ.
Tiêu biểu như công viên được xây dựng ngay trên bãi rác khổng lồ The Battery ở hạ Manhattan, hay màn "lột xác" của khu bỏ hoang ở Brooklyn phía bên kia sông - hiện đều là những địa điểm thư giãn, tụ họp công cộng ưa thích của cư dân TP đông đúc bậc nhất nước Mỹ này.

“Các tòa nhà cao tầng có thể đem đến nhiều tiền hơn cho TP, nhưng một đô thị cần có tầm nhìn xa về những điều tốt đẹp cho cả một cộng đồng. Các không gian công cộng cần những con người có tầm nhìn, trước hết là giành chúng cho nhu cầu công cộng, và sau đó là thiết kế chúng theo nhu cầu của cộng đồng, đảm bảo rằng chúng không bị chiếm dụng hay bỏ phí”, nhà quy hoạch đô thị Amanda Burden nhắn nhủ.