Mây giang đan Bình Phú trước nguy cơ mai một

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bình Xá là một làng cổ thuộc xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, nổi tiếng với nghề mây giang đan (MGĐ) truyền thống.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của làng nghề.

Thu nhập thấp

Nghề MGĐ đã gắn bó với người dân Bình Xá gần 100 năm nay với những sản phẩm đặc trưng như quạt lá đề, mành, ấm ủ, rổ, rá… Sản phẩm của làng không chỉ bền đẹp mà còn phong phú về chủng loại, mẫu mã. Đây từng là nghề cứu đói, cứu khổ cho người dân vùng quê này. Nhớ lại thời “hoàng kim” của làng nghề, ông Nguyễn Hữu Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, những năm đầu thập niên 1990, nghề MGĐ ở đây rất phát triển. Khi đó, nhà nhà đều làm nghề, hàng làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Hàng chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm công nghiệp cùng loại tiện dụng, giá thành lại rẻ, khiến cho những sản phẩm làm bằng thủ công mất dần vị trí.
Chị Nguyễn Thị Dung đang đan quạt lá đề tại gia đình.
Chị Nguyễn Thị Dung đang đan quạt lá đề tại gia đình.
Nghề MGĐ tuy không quá gian nan, vất vả nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn ở người thợ, từ khâu chọn đến xử lý nguyên liệu. Mọi công đoạn đều được người thợ làm hoàn toàn bằng thủ công. Vì vậy giá trị lớn nhất trong mỗi sản phẩm chính ở sự dụng công của người thợ. Chỉ xác định lấy công làm lãi, nhưng từ khi giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm không tăng nên tiền công lao động của người thợ đã thấp nay lại càng thấp hơn, khiến nhiều người không thể bám trụ với nghề.

Trong căn nhà cấp 4 bày la liệt những chiếc quạt lá đề đủ màu sắc, chị Nguyễn Thị Dung, thôn Bình Xá vừa thoăn thoắt hoàn thiện một sản phẩm vừa ngậm ngùi: “Nghề này thu nhập chẳng đáng là bao, ngồi miệt mài cả ngày may ra mới kiếm được hai, ba chục ngàn. Tôi không có sức khỏe để làm việc khác mới phải ở nhà đan quạt để kiếm thêm đồng ra, đồng vào”.

Thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên người dân Bình Xá phải chuyển sang những công việc khác để mưu sinh. Hiện nay, ở địa phương xuất hiện những nghề mới như mộc, cơ khí, xây dựng… với mức lương cao gấp 3 – 4 lần làm nghề MGĐ. Toàn thôn Bình Xá hiện chỉ còn khoảng hơn 30 người theo nghề MGĐ, trong đó chủ yếu là người già và những người mất sức lao động.

Linh hoạt cải tiến

Nói về thực trạng của nghề MGĐ xuất khẩu ở địa phương hiện nay, ông Hải không giấu nổi sự lo lắng. Nghề MGĐ là nghề truyền thống của địa phương, không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, mà còn góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị vă     n hóa của dân tộc. Để bảo tồn nghề truyền thống, hàng năm, chính quyền địa phương thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh vay vốn, tăng cường quảng bá sản phẩm tại các triển lãm, hội chợ… Tuy nhiên, hiện nay, hiệu quả kinh tế mà làng nghề mang lại không cao. Chính vì vậy, nếu không tăng được giá trị sản phẩm hoặc các DN không thay đổi trong hình thức thu mua, bà con sẽ không thể bám trụ với nghề được nữa. Khi đó, nguy cơ làng nghề mai một rất có thể xảy ra.

Để tiếp tục phát triển và bảo tồn nghề truyền thống, mong muốn lớn nhất của địa phương là Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động và tạo điều kiện cho DN xuất khẩu trực tiếp, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, làng nghề cần cải tiến mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, chất lượng hơn mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, các DN làng nghề cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Có như vậy, làng nghề truyền thống mới tồn tại và phát triển bền vững được.