Mê Linh nâng cấp hạ tầng giáo dục

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, đến nay, huyện Mê Linh đã đạt 7/9 tiêu chí “Huyện nông thôn mới”.

Cùng với môi trường, cơ sở vật chất giáo dục đang là bài toán nan giải đối với địa phương này.
Tỷ lệ trường chuẩn đạt 69%
Trước khi triển khai thực hiện Chương trình số 02, huyện Mê Linh là địa phương có xuất phát điểm thấp của TP Hà Nội. Cơ sở hạ tầng yếu và thiếu đồng bộ. Riêng tiêu chí cơ sở vật chất giáo dục, toàn huyện chỉ có 21/75 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt tỷ lệ 28%).
 Trường mầm non xã Tam Đồng được xây dựng khang trang, rộng đẹp. Ảnh: Lâm Nguyễn
Để có được nguồn lực giải bài toán hạ tầng, trong đó có cơ sở vật chất giáo dục, phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được phát động sâu rộng trên địa bàn huyện. Trong 10 năm qua, huyện đã huy động được trên 3.865 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong số đó địa phương đã dành tới 2.262 tỷ đồng để xây dựng mới 13 trường học, cải tạo, nâng cấp 60 trường học và xóa bỏ 300 lớp học tạm.
Sự quan tâm này đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về cơ sở hạ tầng giáo dục trên địa bàn huyện. Đến nay, số trường đạt chuẩn Quốc gia đã tăng 29 trường so với năm 2010, lên con số 50/73 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt tỷ lệ gần 69%). Trong đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhất là ở khối Tiểu học (24/30 trường); tiếp đến là bậc THCS (14/22 trường) và cuối cùng là cấp mầm non (12/21 trường).
Cơ sở vật chất trường học 3 cấp được đầu tư khang trang, hiện đại, theo phương châm "xây dựng đến đâu, đạt chuẩn tới đó”. Hệ thống trường lớp được phân tách đảm bảo thuận tiện cho việc đưa trẻ đến trường. Qua đó, góp phần phát triển toàn diện giáo dục theo hướng chuẩn Quốc gia.
Trăn trở bài toán vốn
Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, tuy nhiên, căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, TP trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Mê Linh còn 2 tiêu chí chưa đạt.
Trong đó có tiêu chí cơ sở vật chất giáo dục (thuộc nhóm tiêu chí Y tế - Văn hóa – Giáo dục). Nguyên nhân là do tỷ lệ trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn chưa đảm bảo chỉ tiêu. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện mới chỉ có 1/6 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, việc giải bài toán cơ sở vật chất giáo dục phụ thuộc rất lớn vào ngân sách đầu tư. Dự kiến tổng số vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025 của huyện vào khoảng 1.466 tỷ đồng. Huyện đã xây dựng kế hoạch huy động cụ thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực xã hội hóa hạn chế, địa phương vẫn phải trông chờ rất nhiều vào vốn hỗ trợ từ TP và các quận nội thành.
Theo đó, ông Trọng kiến nghị TP tiếp tục vận động các quận nội thành quan tâm, hỗ trợ huyện Mê Linh xây dựng trường học đạt chuẩn mức độ 2 tại các xã nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2020.
Cụ thể, xã Liên Mạc đầu tư 2 trường tiểu học và xã Đại Thịnh đầu tư trường mầm non, với tổng kinh phí khoảng 70,5 tỷ đồng. Ông Trọng cũng đề xuất TP sớm phê duyệt dự án và triển khai đầu tư xây dựng 3 trường THPT: Tự Lập, Mê Linh và Tiền Phong, phấn đấu trong năm 2020, huyện Mê Linh có 4/6 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia theo quy định. Đây sẽ là điều kiện cần và đủ để Mê Linh hoàn thành mục tiêu “Huyện nông thôn mới”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần