Liveshow của Chế Linh do Công ty TNHH Ngọc Bích (Thanh Hóa) làm "bầu show" (dự kiến diễn ra vào đêm 12/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia), bị "đình" lại vì: Băng rôn quảng bá chương trình treo không đúng qui định. Đã thế nội dung ghi trên băng rôn còn không đúng với nội dung được cấp phép. Cụ thể là tên chương trình từ "Liveshow ca sĩ Chế Linh" trở nên đầy hấp dẫn thành "Chế Linh - 30 năm tái ngộ". Sai phạm này đã bị nhà quản lý xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, nhưng sai phạm vẫn y nguyên như cũ. Hơn thế nữa, "bầu show" của chương trình còn chưa thực hiện bản quyền tác giả cho đêm nhạc. Mà một đêm diễn trước đó của Chế Linh còn được nhà tổ chức tự ý đưa vào một số ca khúc không nằm trong danh mục bài hát được phép phổ biến của Bộ VHTT&DL.
Nhưng, có ngược dòng thời gian ghé về các show biểu diễn trước đây, mới thấy, những "triệu chứng" kia đã hiện diện không ít lần trong làng ca hát. Chỉ tính ở các sân khấu Hà Nội trong mấy tháng gần đây đã thấy một "Qua cơn mê" (diễn ra vào 30/7) do Công ty TNHH Hãng phim Á Châu tổ chức không thực hiện nghĩa vụ bản quyền, một "Xiếc mới" (21/10) được cấp phép là chương trình ca nhạc "Giai điệu xanh" bị biến tấu một cách vô lối thành chương trình xiếc. Rồi "Giọt sương thu" (23/10) đưa lên sân khấu tới 20 ca khúc, trong khi nhà quản lý chỉ cấp phép cho 16 ca khúc… Còn chuyện quảng bá quá lời, quảng bá không đúng quy định thì đã là "chuyện cơm bữa" của làng giải trí Việt.
Thực ra, lỗi của khâu cấp phép không nhiều, mà chính là sự chểnh mảng ở khâu hậu kiểm. Chính các nhà quản lý văn hóa cũng thừa nhận rằng, không phải lúc nào cũng có điều kiện xem trực tiếp chương trình biểu diễn từ đầu đến cuối nên có lúc sơ hở trong khâu kiểm duyệt. Đây là cái khó của nhà quản lý nhưng cũng lại là "lỗ hổng" để bầu show được thể tung hoành. Như Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Trần Quốc Chiêm chia sẻ: Khi cấp phép cho các chương trình biểu diễn, Sở xem xét rất kỹ về nội dung, chất lượng nghệ thuật cũng như danh mục bài hát có nằm trong phạm vi được phép phổ biến hay không rồi mới cấp phép. Tuy nhiên, nếu các đơn vị tổ chức cố tình vi phạm thì việc quản lý rất khó khăn, dù Sở có muốn cử cán bộ đến xem thì cũng không thể kiểm tra được hết do thiếu cán bộ. Đấy là chưa kể, trách nhiệm quản lý các show diễn không "khoanh vùng" duy nhất cho Sở VHTT&DL. Ví như vấn đề thực hiện bản quyền, Sở chỉ có thể đề nghị đơn vị thực hiện chương trình thực hiện, còn người đứng ra thu lại là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt
Theo thống kê của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, hiện tại có quá nhiều doanh nghiệp đứng ra đăng ký tổ chức biểu diễn. Chỉ riêng ở Hà Nội, con số này đã là 300 đơn vị, ở TP. HCM còn hơn gấp đôi. Các đơn vị này luôn có xu hướng mở rộng địa bàn tổ chức chương trình ra các tỉnh, nên vòng cương tỏa của nhà cấp phép không dễ gì bao quát nổi.