Thông tin trên được tỷ phú Mark Zuckerberg, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của tập đoàn Meta, tuyên bố vào hôm nay (1/7). Theo đó, gã khổng lồ của ngành mạng xã hội thế giới sẽ ngưng các chương trình kiểm tra tính xác thực từ một đơn vị thứ 3, thay vào đó sẽ triển khai một hệ thống kiểm duyệt thông tin do chính cộng đồng người dùng mạng xã hội điều hành, tương tự tính năng trên mạng xã hội X.
Trong tuyên bố qua video được chia sẻ trên Facebook, tỷ phú Zuckerberg viện dẫn những diễn biến từ kỳ bầu cử tại Mỹ cuối năm ngoái như một lý do cho quyết định trên. Ông mô tả đó là "một bước ngoặt văn hóa hướng tới việc đề cao tự do ngôn luận".
"Các bên kiểm tra sự thật đã thể hiện sự thiên vị chính trị quá mức, gây tổn hại nhiều hơn là gây dựng lòng tin", CEO của Meta phát biểu trong video. "Phong trào ban đầu nhằm tạo sự bao quát, giờ đây lại bị lạm dụng để dập tắt các ý kiến hay loại trừ những người có quan điểm khác biệt, và điều này đã đi quá xa".
Tuy nhiên, ông Zuckerberg cũng thừa nhận sẽ có một sự "đánh đổi" trong chính sách mới, khi những thay đổi về kiểm duyệt thông tin sẽ dẫn đến việc xuất hiện nhiều nội dung gây hại hơn trên các nền tảng của Meta.
Theo kênh CNN, thay đổi trên xuất hiện trong bối cảnh ban lãnh đạo Meta đang nỗ lực cải thiện đường lối theo hướng "trung dung" hơn, nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trước thời điểm nhậm chức cuối tháng này.
Một ngày trước thông báo của Mark Zuckenberg, Meta đã công bố Dana White, Giám đốc điều hành giải đấu võ tổng hợp số một thế giới UFC và là bạn thân của Tổng thống đắc cử Trump, sẽ gia nhập hội đồng quản trị của tập đoàn cùng 2 gương mặt mới khác.
Bên cạnh đó, Meta cũng cam kết tài trợ 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức của ông Trump, và bản thân tỷ phú Zuckerberg cũng bày tỏ mong muốn đóng một "vai trò tích cực" trong các cuộc thảo luận về chính sách công nghệ của chính quyền mới ở Mỹ.
Chương trình kiểm duyệt thông tin của Meta, được ra mắt vào năm 2016, là một nỗ lực của tập đoàn trong việc ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch, gây chia rẽ người dân Mỹ. Đến năm 2023, một tuyên bố từ Meta cho biết chương trình này đã "được mở rộng để bao gồm gần 100 tổ chức hoạt động với hơn 60 ngôn ngữ trên toàn cầu".
Bên cạnh đó, Meta cũng đã tăng cường các đội ngũ an toàn, giới thiệu những tính năng tự động lọc bỏ hoặc giảm thiểu khả năng hiển thị những tuyên bố bị cho là "sai sự thật" hoặc "phát ngôn gây thù ghét". Thậm chí, tập đoàn còn thiết lập một "Tòa án Tối cao" độc lập để giải quyết những vấn đề kiểm duyệt phức tạp, được biết đến với tên gọi Hội đồng Giám sát.
Nhưng hiện tại, Mark Zuckerberg được cho là đang noi gương tỷ phú Elon Musk, người sau khi mua lại mạng xã hội Twitter và đổi tên thành X vào năm 2022 đã giải thể đội ngũ kiểm duyệt của công ty và áp dụng các nhãn chú thích được đóng góp bởi chính người dùng X, được gọi là "ghi chú cộng đồng". Hiện tại, đây là phương pháp duy nhất để điều chỉnh và ngăn ngừa "tin giả" trên nền tảng này.
Theo kênh CBS News, những thay đổi mới sẽ được áp dụng trên toàn bộ 3 nền tảng mạng xã hội của Meta gồm Facebook, Instagram, và Threads, đồng nghĩa với việc sẽ ảnh hưởng tới hàng tỷ người dùng các mạng xã hội này trên toàn thế giới.