70 năm giải phóng Thủ đô

Miền Trung thiệt hại nặng nề do mưa lũ, nhiều nơi vẫn chìm trong biển nước

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoàn lưu bão số 6 gây mưa kéo dài khiến nhiều địa phương tại các tỉnh, TP khu vực miền Trung chìm trong biển nước. Thiệt hại ban đầu ghi nhận là rất lớn.

2 người chết và mất tích

Số liệu quan trắc cho thấy, từ 19 giờ ngày 25/10 đến 7 giờ sáng nay (29/10), tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và Tây Nguyên có mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến đo được từ 200 - 400mm.

Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Hồ Sông Rác (Hà Tĩnh) 589mm; hồ Sông Thai (Quảng Bình) 1.142mm; hồ An Mã (Quảng Bình) 866mm; thủy điện La Tó (Quảng Trị) 771mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 645mm…

Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt tại nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Trong đó, đáng tiếc nhất là 1 trường hợp bị chết và 1 người hiện còn đang mất tích tại Quảng Bình do nước cuốn trôi.

Lực lượng bộ đội hỗ trợ người dân di chuyển nhà ở tránh mưa lũ tại Quảng Bình.
Lực lượng bộ đội hỗ trợ người dân di chuyển nhà ở tránh mưa lũ tại Quảng Bình.

Thống kê từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NNN&PTNT) cho biết, đến sáng 29/10, có 318 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái (chủ yếu tại Thừa Thiên Huế); 34.201 ngôi nhà bị ngập, đến nay còn 34.020 nhà dân ngập (tập trung tại hai tỉnh: Quảng Bình 32.767 nhà, Quảng Trị 1.253 nhà).

Sẩn xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề với 622ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại. Cùng với đó là 2.784 cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 531 con gia và 17.552 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 1.091ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…

Liên quan đến hệ thống giao thông, hiện 53 vị trí đường Quốc lộ 9B, 9C, 12A, 9E, 15 (Quảng Bình), 15D, 9D (Quảng Trị), 49B (TT Huế) và 89 vị trí đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng, với tổng khối lượng 25.914 m3 đất đá.

Sự cố đường sắt Bắc - Nam tại khu gian Sa Lung - Tiên An đang tiếp tục xử lý và bố trí ô tô chuyển tải hành khách giữa ga Đông Hà và ga Đồng Hới; dự kiến thông đường trước 15 giờ ngày 29/10.

Sớm ổn định đời sống người dân

Những ngày qua, các tỉnh, TP khu vực miền Trung tiếp tục triển khai ứng phó với mưa lũ sau bão theo Công điện số 110/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đã tổ chức di dời 11.432 hộ/33.740 người. Đồng thời rà soát, triển khai ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần “4 tại chỗ”.

Trước diễn biến mưa còn kéo dài, các bộ ngành, địa phương đang tập trung điều tiết, vận hành các hồ chứa để bảo đảm an toàn hồ, đập và vùng hạ du. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ, hiện có 3 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn gồm: A Lưới, Đa krong 1 và La Tó.

Trong khi đó, tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, các đơn vị đang vận hành điều tiết lũ 4 hồ chứa qua tràn. Cụ thể là các hồ chứa: An Điềm 1; Đăk Mi 3; Sông Côn bậc 2 và Za Hưng.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, hiện nay diễn biến mưa lũ tại các tỉnh, TP miền Trung còn rất phức tạp. Chính vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tập trung ứng phó theo đúng tinh thần “không hối tiếc” của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Thời gian tới, các tỉnh, TP cần tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão theo Công điện số 110/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 ngày 27/10/2024.

Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế (đặc biệt là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đang còn lũ, ngập lụt) tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn để chủ động ứng phó. Đối với các địa điểm nước đã rút, các tỉnh, TP tổ chức khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống.

 

Bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ ngày 29/10 đến hết đêm 30/10, khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to; lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 400m.