Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hoạt động này cần phải minh bạch hơn nữa để hướng tới sự phát triển bền vững.
Vẫn nhiều khó khăn
Bước vào tháng 10/2023, các DN vẫn đang phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu riêng lẻ, mặc dù tổng giá trị đáo hạn trong tháng 10 chỉ khoảng 15.100 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 4 tháng trở lại đây. Nhưng để có dòng tiền chi trả trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thực sự trở lại bình thường và khi nguồn tín dụng cho vay từ ngân hàng vẫn đang bị kiểm soát, DN buộc phải thực hiện phát hành trái phiếu mới.
Số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nếu tính cả 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu của DN tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng riêng trong quý III/2023 có 88 đợt phát hành trái phiếu DN trong nước thành công với tổng giá trị đạt 100.163 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần so với quý II, tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó, 80 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, tổng giá trị đạt 88.715 tỷ đồng, cao gấp gần 2,7 lần so với quý II và tăng 36,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lượng trái phiếu của DN BĐS chiếm tới 53,2% tổng giá trị phát hành.
Tuy nhiên, trên thực tế các DN BĐS vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bởi trong quý IV/2023 được xem là giai đoạn cao điểm về đáo hạn trái phiếu, với giá trị lên tới 65.500 tỷ đồng, riêng DN kinh doanh BĐS chiếm tới 80% tổng số lượng đáo hạn. Trong khi đó, lượng trái phiếu chậm trả gốc, lãi từ đầu năm đến nay thì DN BĐS chiếm 71%. Do thị trường BĐS vẫn trầm lắng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn, nên số lượng DN chậm thanh toán các nghĩa vụ tài chính với khách hàng tiếp tục tăng cao. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới nhưng việc thực thi vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
“Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành với một số quy định cho phép DN giãn các khoản thanh toán trái phiếu để cơ cấu lại dư nợ và xoay vòng vốn sản xuất nhưng việc xếp hạng tín nhiệm chưa được thực thi. Cùng với đó là một số Nghị định, Thông tư khác vẫn chỉ mang tính chất là “phép thử”, chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề. Riêng đối với việc huy động nguồn vốn từ trái phiếu, trước những ảnh hưởng từ vi phạm của DN nên niềm tin từ nhà đầu tư vẫn chưa được vực lại, trong khi vốn tín dụng cho DN BĐS không nhiều do phải ưu tiền cho ngành nghề khác” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam TS Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
Cần minh bạch thông tin
Theo thống kê của FiinGroup, hiện nay quy mô của thị trường trái phiếu DN đang bị thu hẹp về quy mô, chỉ trong vòng 2 năm giảm tới 25% tổng giá trị lưu hành (năm 2021 tổng giá trị lưu hành 1,6 triệu tỷ đồng, đến năm 2023 chỉ còn 1,2 triệu tỷ đồng). Hầu hết các chuyên gia đều nhìn nhận rằng, điều này là do sự khủng hoảng chung của nền kinh tế trong nước và toàn cầu; việc thay đổi xu hướng đầu tư của nhà đầu tư hay khả năng hấp thụ và nhu cầu vốn từ DN bị giảm sút so với trước đây...
“Tuy nhiên, các hoạt động mua bán, sáp nhập DN (M&A) và mua lại trái phiếu lại diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Điều này chứng tỏ rằng những DN có tiềm lực tốt đang tích cực tham gia vào thị trường, mặc dù ở khía cạnh khác đây là điều không tốt bởi bất lợi do thị trường gây ra nên DN buộc phải bán trái phiếu. Với những diễn biến như hiện nay thì tốc độ hồi phục của thị trường sẽ khó có bứt phá về khối lượng phát hành trong vòng 1 năm tới” – Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhận định.
Cũng theo đại diện FiinGroup, hiện nay quy mô của thị trường trái phiếu DN ở Việt Nam (chiếm 11% GDP) vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với khu vực (chiếm 30 – 40% GDP) nên còn rất nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt là trước những áp lực về nguồn vốn đề đáo hạn và duy trì sản xuất hiện này của DN, sẽ không ngạc nhiên khi thời gian tới DN tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thực sự minh bạch để thị trường phát triển bền vững, tránh đi vào “vết xe đổ” thời gian qua, khiến niềm tin từ nhà đầu tư giảm sút.
“Tôi cho rằng, vẫn cần phải có thêm nhiều thời gian để thực thi các giải pháp, trước thực trạng những quy định pháp lý ở nước ta chưa được áp dụng như thông lệ quốc tế. Nhưng trước mắt, điều quan trọng nhất là cần phải minh bạch thông tin về DN tham gia phát hành trái phiếu, thông qua xếp hạng tín nhiệm. Việc xếp hạng tín nhiệm nên thực hiện độc lập để sử dụng rộng rãi, không chỉ phục vụ nhà đầu tư mà còn cho các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, việc tiếp cận hạ tầng giao dịch cùng phải được công khai, minh bạch, có sự giám sát trong suốt quá trình triển khai... như vậy thì thị trường vốn từ trái phiếu DN mới phát triền vững” - Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nói.
Từ số liệu tổng hợp, báo cáo của một số ngân hàng lớn, hiện nay lượng tín dụng cho vay BĐS chủ yếu nằm ở nhóm khách hàng cá nhân (đối với BĐS đất ở, nhà ở, tại Vietcombank hơn 90% là dư nợ cho vay khách hàng cá nhân). Trong khi đó, trước việc siết chặt nguồn vốn vay cho DN từ các tổ chức tín dụng, thì nhiều DN BĐS phát triển dự án chủ yếu dựa vào dựa vào nguồn vốn phát hành trái phiếu. Do đó, thị trường rất cần một khung pháp lý hoàn thiện, đảm bảo tính minh bạch, ổn định cho DN phát triển.
“Nhà nước không nhất thiết phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ DN, mà chúng ta dùng cơ chế, chính sách và vốn đối ứng... Cần sớm điều chỉnh các Thông tư liên quan cho phép các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu DN, bảo đảm an toàn đối với trái phiếu DN và cho vay góp vốn, tài trợ chuyển nhượng dự án. Cùng với đó, có hướng dẫn nhất quán về việc đổi trái phiếu lấy BĐS để tránh xung đột, tranh chấp sau này, vì đây là một giải pháp mà Trung Quốc đã làm tốt” – chuyên gia tài chính, ngân hàng TS Cấn Văn Lực phân tích.
Nhìn nhận một cách thực tế, quy mô giao dịch của thị trường trái phiếu DN ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn và được kỳ vọng tăng mạnh khi tất cả các trái phiếu DN riêng lẻ còn dư nợ được niêm yết. Đây sẽ là bước đi quan trọng để thị trường phát triển bền vững. Việc công khai những thông tin về tổ chức phát hành không chỉ tăng tính minh bạch, mà còn giảm rủi ro khi thanh toán và bớt đi những đơn vị trung gian.
Chuyên gia VNDIRECT Nguyễn Bá Khương
Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý, để tăng cường công tác quản lý giám sát, đảm bảo tính minh bạch của thị trường cũng như tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nhằm có những giải pháp ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Đồng thời tháo gỡ khó khăn trên thị trường BĐS, kiểm soát lạm phát để duy trì động lực phát triển kinh tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương