70 năm giải phóng Thủ đô

Minh bạch để ngăn thất thoát

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, thời gian vừa qua, vấn đề thất thoát, thất thu ngân sách Nhà nước qua việc giao đất không qua đấu thầu, đấu giá đã xảy ra và chủ yếu do khi định giá đất không sát với giá thị trường.

Các địa phương giao cho nhà đầu tư khi đất chưa "sạch" và nhà đầu tư phải ứng tiền ra để đền bù. Sau khi đền bù, xảy ra việc chênh lệch giá so với ban đầu thì không được định giá lại.
Người đứng đầu ngành tài chính thông tin, đến nay, còn rất nhiều trường hợp như trên phải xử lý. Trong đó có cả những trường hợp sau khi cổ phần hóa, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch của các cơ sở do doanh nghiệp quản lý… vẫn đang xảy ra. Để bịt lỗ hổng này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ TN&MT hoàn thiện cơ chế quản lý, đặc biệt là về đấu thầu, đấu giá cũng như cổ phần hóa DN Nhà nước.

Trong nhiều diễn đàn cũng như các báo cáo của cơ quan quản lý có chức năng đều chỉ ra, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất hiện còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau, dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở để thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất khu đô thị.

Hầu hết DN đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sang đất ở đô thị không qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Diện tích đất DN Nhà nước được giao lớn, song chưa được quản lý chặt chẽ… Đặc biệt, đa số dự án chuyển đổi nhà xưởng, cơ sở sản xuất sang đất xây dựng nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại không xuất phát từ quy hoạch xây dựng hay quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, phần lớn các dự án có sự điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc xây dựng theo hướng tăng chiều cao tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng so với quy hoạch ban đầu. Việc điều chỉnh này càng làm gia tăng dân số trong dự án, gây áp lực lên hạ tầng đô thị.

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều vụ việc lùm xùm cũng bởi câu chuyện cổ phần hóa, thâu tóm "đất vàng" tại những TP lớn. Ví như vấn đề sử dụng đất tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần..., trong đó bao gồm toàn bộ diện tích tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP Hồ Chí Minh và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo kết luận thanh tra số 1412, ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ, việc này thực hiện khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai.

Đã có nhiều chuyên gia và nhà quản lý nhìn nhận, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất phải được hoàn thiện đồng bộ bắt kịp với xu thế, nhận định được diễn biến phát triển của thị trường, đi trước thị trường, tránh tạo ra những kẽ hở khiến thất thoát, lãng phí, xảy ra tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai. Như khẳng định của một lãnh đạo thuộc Bộ Tài chính, Chính phủ đã công khai các DN sẽ cổ phần hóa thì không thể có chuyện thờ ơ với việc sắp xếp đất đai, DN phải có trách nhiệm rà soát lại nguồn lực để tránh lãng phí. Không phải đến giờ những vướng mắc mới được đề cập mà những quy định liên quan đều đã có nhưng lần này sẽ đẩy mạnh việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật. Thực hiện đồng bộ thì việc này sẽ nhanh.

Vậy nên, việc cấp thiết phải làm, là tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về tổ chức, quản lý và hoạt động của DN Nhà nước về sắp xếp việc cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Với phương thức đấu giá đất công khai, minh bạch; cơ quan quản lý Nhà nước nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về đất đai một cách khách quan, công tâm..., chắc chắn chặn đứng tệ tham nhũng từ đất đai, ngăn thất thoát tài nguyên đất.