Minh bạch tiền công đức

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 1957, Bộ Văn hóa đã ban hành Thông tri 580 để quản lý nguồn thu của lễ hội. Theo đó, Ủy ban Hành chính có trách nhiệm quản lý khoản thu này ở các di tích, lễ hội lớn.

Người dân thả tiền công đức tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân thả tiền công đức tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thông tri cũng quy định,  đối với di tích, lễ hội nhỏ, có nguồn thu hạn chế thì do ban quản lý di tích và thủ nhang quản lý.

Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện nay đã khác. Nguồn thu ở nhiều di tích và lễ hội rất lớn, không chỉ có tiền công đức mà còn các khoản tài trợ, hiến tặng vật chất khác. Vì vậy, vừa qua, việc quản lý thu - chi tiền công đức được hầu hết ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu - chi trong tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch; bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định, bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời.

Người dân thả tiền công đức tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng 
Người dân thả tiền công đức tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng 

Dù vậy, thực tế đã có nhiều tranh cãi, mâu thuẫn trong việc sử dụng tiền công đức. Từ đó cho thấy, yêu cầu bức thiết phải ban hành văn bản riêng về quản lý tiền công đức nói riêng, quản lý thu - chi tài chính, tài trợ khác nói chung.

Khoản 6 Điều 19, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội quy định: “Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng việc quản lý, thu - chi tài chính cho công tác quản lý lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”. Đây là căn cứ quan trọng để Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC (chính thức có hiệu lực từ 19/3/2023) hướng dẫn quản lý, thu - chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được đánh giá là văn bản pháp lý quan trọng.

Liên quan tới quản lý tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, Thông tư số 04 quy định, các hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cũng được quy định rõ, khi nhận tiền mặt sẽ có người tiếp nhận ghi chép, hòm công đức phải được kiểm đếm công khai định kỳ, nhận tiền chuyển khoản phải mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại và khi nhận các loại giấy tờ có giá trị, kim khí quý đều phải ghi chép cẩn thận đầy đủ. Qua đó, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác tiếp nhận và quản lý tiền công đức.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) Vũ Thị Hải Yến: “Thực tế người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trong khi việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội ngày nay bị chi phối bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích vật chất cần được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng. Việc ban hành Thông tư 04 thực sự cần thiết, giúp tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp tích cực hơn cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa đất nước nói chung”.

Theo các chuyên gia, để thông tư đi vào thực tiễn cuộc sống cũng như có đóng góp hiệu quả, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền nhằm cụ thể hóa quy định của Thông tư. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các địa phương, đặc biệt là các Ban quản lý di tích nhằm ban hành các quy chế, quy định cụ thể cho từng di tích, lễ hội của mình. Bởi mỗi di tích, lễ hội sẽ có những quy mô, loại hình, cách thức sở hữu khác nhau.

Nhà nước cần tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát theo đúng thẩm quyền khi xảy ra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt những hoạt động quản lý sẽ giúp thông tư được triển khai có hiệu quả hơn. Những lộn xộn trong việc quản lý tiền công đức vừa qua cùng những xử phạt nghiêm minh chính là bài học làm gương. Các di tích, ban tổ chức lễ hội cần xem đó là bài học của riêng mình, để từ đó làm tốt hơn công tác thu - chi tiền công đức.