Mở các phiên chợ nông sản an toàn tại Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/12, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn, xúc tiến thương mại (XTTM) giữa Hà Nội và các tỉnh năm 2015.

Với dân số gần 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản thực phẩm của Hà Nội là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay sản xuất tại chỗ mới đáp ứng được 58% nhu cầu thịt các loại, 70% cá, 90% trứng gia cầm, 25% sữa, 65% rau củ và 17% quả tươi. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh, TP khác và nhập khẩu từ nước ngoài. Thực hiện chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa Sở NN&PTNT và các tỉnh, thành, trong năm 2015, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành.

 
Nông sản an toàn của tỉnh Tiền Giang được giới thiệu tại hội nghị.
Nông sản an toàn của tỉnh Tiền Giang được giới thiệu tại hội nghị.
Trong đó, ở lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, Chi cục Thú y Hà Nội tiếp tục ký kết hợp tác với 8 tỉnh phía Bắc, nâng tổng số địa phương hợp tác trong lĩnh vực này lên con số 25. Nhờ đó công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ cơ bản đã khắc phục được nhiều tồn tại, việc cấp giấy kiểm dịch đi các tỉnh đã chấn chỉnh được những thiếu sót, vi phạm.

Trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và ATTP, đến nay Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã ký kết hợp tác với 19 Chi cục tương đương của các tỉnh, TP. Qua đó tăng cường, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nông lâm thủy sản. Trong năm 2015, nhiều sản phẩm rau, thịt được kiểm soát theo chuỗi từ các tỉnh được đưa về tiêu thụ trên thị trường Hà Nội.

Đặc biệt, trong lĩnh vực XTTM, đến nay Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội đã hợp tác với 25 tỉnh, thành đưa sản phẩm về Hà Nội giới thiệu và tiêu thụ. Trong năm 2015, Trung tâm cũng tổ chức 12 đoàn cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất kinh doanh, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đi các tỉnh, thành để kết nối giao thương tại 18 tỉnh, thành trên cả nước như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh… Qua đó đã có trên 100 lượt DN của Hà Nội được đi hợp tác với các DN của các tỉnh, thành và ký kết được trên 40 hợp đồng liên kết cung ứng sản phẩm cũng như chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ông Trần Thanh Nhã – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, trong năm 2015 chương trình hợp tác nông nghiệp nông thôn giữa Hà Nội với các tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là hoạt động XTTM đã có chuyển biến mới, góp phần quan trọng đưa đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô các nông sản an toàn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, hoạt động hợp tác về nông nghiệp, XTTM nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh là hướng đi đúng, trúng hướng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Thực tế, Bộ NN&PTNT cũng chọn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai TP trọng điểm triển khai hoạt động XTTM nông nghiệp. Ông Vân cho biết thêm, năm 2015 được Bộ NN&PTNT phát động là năm ATTP. Từ đầu năm nay đến nay, vấn đề ATTP đã làm nóng dư luận, nhất là chất cấm, kháng sinh.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động XTTM trong tái cơ cấu nông nghiệp, ông Vân đề nghị thời gian tới, Hà Nội cần làm mẫu về XTTM, thể hiện từ phương pháp, cách làm đến cơ chế, chính sách khuyến khích của TP đối với XTTM để thu hút các tỉnh, thành sản xuất nông sản an toàn cho Thủ đô. Theo ông Vân, hiện nay HĐND TP đã phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cần đề xuất TP xin cơ chế mỗi tuần mở một phiên chợ nông sản an toàn. Trong đó, các sản phẩm vào chợ phải được kiểm soát ATTP và được sản xuất theo quy trình VietGAP. Nếu làm đề án này thành công, tiến tới xã hội hóa từng bước và 100% đề án này. Trong đó DN là vai trò quan trọng nhất, nhất là các DN có tiềm lực về sản xuất và hệ thống chế biến, phân phối sản phẩm. “Bộ Công Thương có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì ngành nông nghiệp cũng nên phát động cuộc vận động ưu tiên sử dụng nông sản thực phẩm an toàn” – ông Vân đề xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần