Tuy nhiên, 1977 Vlog với cách làm sáng tạo, hài hước đã giúp các nhân vật như ông Giáo, lão Hạc, chị Dậu bước ra ngoài trang sách, hòa mình vào cuộc sống đương đại và được công chúng cởi mở đón nhận.
Không nhàm chán
Tháng 8 năm 2019, 1977 Vlog được thành lập trên mạng xã hội Youtube và đi vào hoạt động bởi 2 anh em song sinh Nguyễn Việt Anh và Nguyễn Trung Anh (sinh năm 1992) và người em họ Nguyễn Việt Tân (2001).
Video đầu tiên của nhóm có tựa đề “Spoil phim mới Cậu Vàng cực mạnh” đến nay thu hút hơn 10 triệu lượt xem, sau gần 3 tháng lên sóng. Sau đó, chỉ với 4 clip không dài quá 6 phút, 1977 Vlog đã đạt nút vàng của Youtube với 1,45 triệu người đăng ký.
Với cách làm clip ở mức tối giản bằng máy tính bảng, hình ảnh đen trắng, chỉ có 3 diễn viên cùng âm thanh rè rè đặc trưng của phim tài liệu, bắt kịp trend, 1977 Vlog đã đưa những nhân vật như: Chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; Lão Hạc, Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đến gần hơn với giới trẻ. Các câu thoại kiểu: “Toang thật rồi bu em ạ”, “Tao là một thằng đàn ông. Trong bát phở tao lúc nào cũng có hành”, “Một là mày đang nói dối. Hai là mày đang nói dối nhiều lần”... đã khiến người xem vlog cười lăn lộn.
Nguyễn Trung Anh chia sẻ, nhóm làm phim với chất liệu văn học ngày xưa nhưng nói những câu như bây giờ kiểu: “Toang rồi, toang rồi bu em ạ” để gây buồn cười”. “Chưa bao giờ, thế hệ 9x nghe thấy các cụ ngày xưa nói các từ ngữ như bây giờ. Do đó, chúng tôi nghĩ là phải làm thử, chắc chắn sẽ hay và hấp dẫn người xem” - Trung Anh cho hay.
Bên cạnh đó, ngay từ khi mới làm Vlog, cặp song sinh đã nghĩ đến việc định hướng giúp các bạn trẻ tiến gần đến văn học, cảm nhận văn học không còn là một môn nhàm chán. “Văn học mang tính thực tiễn, tất cả các tác phẩm văn học lớn đều có giá trị đến tận bây giờ. Chẳng qua, chúng ta chưa nhìn nhận nó ở những khía cạnh khác nhau” - Trung Anh nhận định.
Điều này, Vlog 1977 thể hiện rõ trong các clip triệu view. Vlog 1977 thường có những chi tiết khiến người xem bị thu hút do nhiều vấn đề thời sự, nóng hổi của xã hội được lồng vào trong lời thoại của các nhân vật. Nhóm làm Vlog cho biết, trước khi làm một bộ phim, họ sẽ cùng tìm những sự kiện, vấn đề nóng để làm.
Đơn cử như vấn đề thời gian qua dư luận tranh cãi về việc chú chó Vàng trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao, nó là giống chó gì? “Ở mỗi tập chúng tôi sẽ cố gắng thu thập thông tin, vấn đề nổi cộm trong xã hội hoặc cư dân mạng bàn luận; đó có thể là chuyện vui, hành vi chưa đúng của một số cá nhân, tập thể nào đó. Ví dụ như chị Dậu, thời điểm ra clip có vấn đề về ô nhiễm nước, đòi nợ thuê của bà con ở quê bị vỡ hụi, vỡ họ… Chị Dậu trong truyện cũng bị đòi tô thuế, phù hợp với tình huống trong clip” - Việt Anh chia sẻ.
Tiếp cận theo cách tự nhiên
Vừa qua, buổi trò chuyện với cặp song sinh của Vlog 1977 diễn ra tại không gian Ơ kìa Hà Nội (Đại học Mỹ thuật công nghiệp) thu hút nhiều học sinh, sinh viên, giáo viên và cả những em nhỏ.
Học văn theo cách của mình đã đem lại thành công cho Vlog 1977. Mặc dù, Vlog 1977 có nhiều sáng tạo, đổi mới nhưng cả hai luôn tâm niệm phải giữ lại giá trị cốt lõi của tác phẩm. Cặp đôi Vlog 1977 cùng chung suy nghĩ: “Mỗi tập phải làm trong một tháng mới hoàn thành. Chúng tôi tâm niệm phải làm cách nào để các bạn trẻ hiểu và giữ giá trị cốt lõi tác phẩm, không xuyên tạc. Đó là nỗi đau của chị Dậu, anh Chí Phèo; hiểu rằng tại sao chị Dậu phải bán con, tại sao anh Chí lại rơi vào hoàn cảnh khốn khổ” - Trung Anh bày tỏ.
Tiết lộ về tương lai của Vlog 1977 cũng như thu nhập của các thành viên trong nhóm, Trung Anh cho biết: “Điều nhóm quan tâm là chất lượng các sản phẩm do mình làm ra. Sản phẩm ra đời phải chỉn chu. Như Nam Cao nói: “cẩu thả trong bất cứ nghề nào đều không được nhưng câu thả trong văn chương là bất nhân nhất”. Hiện nay, tất cả sản phẩm của Vlog 1977 đều không nhận quảng cáo”.
Hai thành viên của Vlog 1977 chia sẻ trong tương lai sẽ tiếp tục làm các video lấy chất liệu từ các tác phẩm văn học, kết nối với nhau để trở thành một kho lưu trữ văn chương riêng và là chất liệu của một bộ phim dài tập.