Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở đường cho ngành chăn nuôi thỏ

TS Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội chăn nuôi Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù có nhiều lợi thế như thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao, ít chi phí, quy trình chăn nuôi đơn giản… tuy nhiên, nghề chăn nuôi thỏ vẫn còn mờ nhạt trong “bản đồ” chăn nuôi của nước ta. Vì vậy, rất cần những “cú hích” để nghề này phát triển bứt phá hơn.

Dễ nuôi, giá trị kinh tế cao

Theo số liệu thống kê hiện cả nước có khoảng 1,6 – 1,8 triệu con, hàng năm xuất chuồng thỏ thịt đạt bình quân khoảng 4.500 – 5.000 tấn thịt hơi. Thời gian qua, đàn thỏ trên cả nước phát triển với xu hướng tăng trung bình hàng năm  khoảng 3 – 5%.

Cơ cấu giống thỏ Việt Nam hiện nay gồm thỏ ngoại nhập khẩu, thỏ bản địa (thỏ nội) và thỏ lai. Thỏ ngoại (như thỏ Newzealand, thỏ Carlifornia) chiếm tỷ lệ khoảng 35,7 %, thỏ lai (thỏ ngoại lai thỏ nội) chiếm tỷ lệ khoảng 35,4% và thỏ nội (thỏ bản địa) chiếm tỷ lệ 28,9% trong tổng đàn thỏ của cả nước.

Giống thỏ hiện nay được nuôi nhiều nhất trong các hộ chăn nuôi là thỏ trắng Newzealand và thỏ trắng California, bên cạnh đó còn có một số giống thỏ nội khác như Thỏ Đen, thỏ Xám, thỏ Cỏ và thỏ lai giữa thỏ ngoại và thỏ nội.

Lãnh đạo Hội chăn nuôi Việt Nam thăm mô hình chăn nuôi thỏ tại Bắc Giang
Lãnh đạo Hội chăn nuôi Việt Nam thăm mô hình chăn nuôi thỏ tại Bắc Giang

Hiện nay, các trang trại thỏ đã, đang tái đàn và mở rộng sản xuất, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi sạch, chế biến thực phẩm thỏ, chú trọng xử lý môi trường, chuồng trại chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt gần đây, nhiều giống thỏ cảnh mới nhân rộng nhằm đáp ứng nhu cầu sở thích, thú chơi thú cưng của đông đảo người dân.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của mô hình chăn thỏ, Chủ tịch Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam Nguyễn Huy Long cho biết, thỏ là loại vật sinh sản rất nhanh, mỗi năm một con thỏ cái sinh sản ra trên dưới 40 con, thỏ cái 6 tháng tuổi có thể sinh sản và mỗi năm sinh sản 6-7 lứa, mỗi lứa 6 đến 10 con. Thị trường tiêu thụ của thỏ rất tiềm năng, giá cả cao, bởi chất lượng thịt thỏ có hàm lượng Protein cao so với các loại thịt gia súc gia cầm (thịt bò, thịt lợn, thị gà…). Ngoài ra, thỏ còn được nuôi làm thú cưng trong các khu vui chơi giải trí, khu sinh thái, nông trại du lịch trải nghiệm.

Là ông chủ của mô hình nuôi 300 thỏ cái sinh sản, ông Thân Ngọc Sơn (thôn Chùa, xã Minh Đức, Việt Yên, Bắc Giang) đánh giá, thỏ là con vật có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, có giá cao so với con vật nuôi khác. Thỏ là con vật dễ nuôi, hiền lành, ăn rau, ăn cỏ chiếm tới 50 – 60% khẩu phần thức ăn, ít chi phí, thu nhập cao, mắn đẻ, sinh trưởng phát triển nhanh. Quy trình nuôi cũng đơn giản, phương thức nuôi thành trang trại cũng được mà nuôi tại gia đình. “Ngay ở trong xã Minh Đức, nhiều người đi lên từ con thỏ, xây nhà, mua xe, nuôi con ăn học, duy trì cuộc sống gia đình” – ông Đức chia sẻ.

Cũng là hộ có thu nhập khá từ nuôi thỏ, anh Đào Duy Trung (thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) nuôi thỏ từ năm 2013 đến nay thường xuyên duy trì 150 – 300 thỏ nái sinh sản. Anh đã đam mê tìm hiểu và ứng dụng tốt kỹ thuật nên đã nâng tỷ lệ sinh sản của thỏ 6 – 7 lứa/năm lên, mỗi lứa thỏ đẻ 6-8 thỏ con/năm. Vừa nuôi thỏ vừa ứng dụng nuôi giun quế nên đã có nguồn thu tăng lên, được mọi người đến tham quan học tập để nhân rộng. Gia đình anh đã xây được nhà, nuôi con ăn học, duy trì cuộc sống ỏn định nhờ chăn nuôi thỏ.

Đầu tư chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi

Mặc dù có tiềm năng, thế mạnh để phát triển, tuy nhiên, ngành chăn nuôi thỏ vẫn đang gặp nhiều thách thức. Thị trường tiêu thụ nhiều biến động, nhất là giá thức ăn, thuốc thú y, dụng cụ chuồng nuôi, trang thiết bị kỹ thuật tăng cao. Khác với chăn nuôi gia súc gia cầm, số lượng trang trại, hộ chăn nuôi còn thấp, nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư lớn đối với các trang trại, quy mô chăn nuôi hiện vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, chưa đủ sức cạnh tranh, nhất là thị trường thế giới.

Về phía người nuôi thỏ, chủ yếu vẫn ở phương thức nhỏ lẻ, chất lượng con giống chưa cao nên năng suất thấp, trọng lượng chưa đủ biểu xuất. Nhiều trại chưa tiếp thu tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi thỏ theo tiêu chuẩn Vietgap dẫn đến thỏ thường hay mắc một số bệnh như nấm, ghẻ, đồng huyết, cận huyết, dị tật bẩm sinh, tỷ lệ nuôi sống thỏ con thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế trong trăn nuôi.

Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Huy Long – Chủ tịch Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam, Hội sẽ tiếp tục tham mưu để các cấp chính quyền quan tâm đến chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhất là về con giống, đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Làm tốt hơn công tác truyền thông để nhiều người biết đến nghề nuôi thỏ, biết đến giá trị thật của loài thỏ, nâng cao giá trị sản xuất và sử dụng thịt thỏ làm món ăn hàng ngày. Từng bước tuyên truyền để nâng số cơ sở, trang trại trong chăn nuôi thỏ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động chăn nuôi thỏ.

Về chuyên môn, tiếp tục cải tiến chất lượng giống, cải tiến các trang thiết bị vận dùng chuồng nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt hình thành các chuỗi liên kết từ chăn nuôi giết mổ đến chế biến, tiếp cận với các siêu thị, nhà hàng khách sạn để mở rộng thị trường, nâng số người dùng thịt thỏ với các đối tượng.