Liên quan đến chủ trương cấp phép trông giữ xe tạm tại các ô đất trống, đất dự án chậm triển khai tại Hà Nội, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung. Vị chuyên gia này cho rằng, cần mở ra một hành lang pháp lý vững chắc, hoàn chỉnh để chính quyền địa phương và cả DN yên tâm thực hiện.
Ông đánh giá như thế nào về chủ trương cấp phép tạm điểm trông giữ xe tại các ô đất trống, đất dự án chậm triển khai của Hà Nội?
- Tôi cho rằng đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết. Trong bối cảnh Hà Nội thiếu thốn hạ tầng giao thông tĩnh, nhu cầu lại rất lớn như hiện nay, tận dụng các khoảng trống trong lòng đô thị làm điểm trông giữ xe là một giải pháp quan trọng, sẽ phát huy được hiệu quả.
Các ô đất do chính quyền quản lý, chưa có dự án đầu tư hoặc các ô đất dự án chậm tiến độ để không sẽ rất lãng phí và làm nảy sinh nhiều hệ lụy. Trên thực tế, không cấp phép thì nhiều ô đất như vậy vẫn biến thành bãi trông giữ xe, làm lợi cho cá nhân. Có nơi bãi xe lậu còn tồn tại hàng chục năm, ước tính cả nghìn tỷ đồng doanh thu TP không kiểm soát được, không thu thuế được; trong khi đó TP phải đi vay tiền về đầu tư hạ tầng giao thông. Đó là nghịch lý phải được xóa bỏ, mà biện pháp tốt nhất là cấp phép để quản lý và thu thuế.
Chủ trương đúng đắn nhưng việc triển khai lại chậm, theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất là thiếu hành lang pháp lý rõ ràng khiến cơ quan quản lý thì rụt rè, thận trọng không dám cấp phép, DN thì lâm vào ngõ cụt, không xin được phép.
Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác nữa cũng rất đáng quan tâm, tìm cách tháo gỡ như: DN thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực dịch vụ này; ứng dụng công nghệ để kiểm soát và hạn chế tiêu cực…
Vậy theo ông, Hà Nội cần làm gì để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, sớm tổ chức mô hình trông giữ xe tạm trên đất trống, đất dự án chậm triển khai?
- Điều đầu tiên là TP cần nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của giải pháp này với đời sống đô thị. Nó có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay và cả về lâu dài, nên rất cần được tổ chức thực hiện bài bản, chặt chẽ.
Theo tôi, TP có thể lập một ban chỉ đạo chung tháo gỡ khó khăn cho mô hình điểm trông giữ xe tạm. Ban chỉ đạo sẽ rà soát thực tế, tổng hợp dữ liệu để xây dựng nên một quy chế, quy trình chung cho việc cấp phép tạm trông giữ xe tại các ô đất trống, đất dự án chậm triển khai. Khi hoàn thiện quy chế, ban chỉ đạo có thể giải thể hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Có đầu mối quan trọng này sẽ giúp UBND TP giảm tải công việc, các đơn vị, địa phương có định hướng rõ rệt hơn trong hoàn thiện quy trình, thông qua thủ tục hành chính cũng như pháp lý.
Sau khi ban chỉ đạo đưa ra một hệ thống quy định rõ ràng, đây sẽ là công thức chung, hướng dẫn cụ thể cho cả chính quyền địa phương lẫn DN trong tổ chức trông giữ xe tạm. Cụ thể TP sẽ phải làm rõ các vấn đề: Ai có thẩm quyền cấp phép cho những trường hợp này? Thủ tục xin cấp phép gồm những gì? Điều kiện để được cấp phép là gì? Thu phí như thế nào? Nộp thuế, phí vào ngân sách bao nhiêu?...
Như hiện nay, do thiếu quy trình, quy định cụ thể dẫn đến hình thành một vòng luẩn quẩn: DN làm đề xuất gửi UBND quận, quận gửi TP, TP giao sở chuyên ngành, rồi lại từ tham mưu của sở chuyên ngành trả lời quận. Như vậy có khi mất hàng năm không ra được giấy phép cho DN. Thực tế đó cho thấy, mở ra hành lang pháp lý chuẩn chỉ là khâu then chốt cho tổ chức trông giữ xe trên đất trống, đất dự án chậm triển khai.
Đối với các điểm trông giữ xe tạm như vừa nêu cần có điều kiện gì,thưa ông?
- Tôi thấy Hà Nội đang rất thành công với mô hình thu phí không dùng tiền mặt trong dịch vụ trông giữ xe. Đó là điều kiện rất quan trọng để quản lý, khai thác mô hình này. Cần coi việc ứng dụng thu phí không tiền mặt là điều kiện bắt buộc với các đơn vị muốn xin cấp phép.
Ngoài ra nên giao hẳn cho các địa phương thẩm quyền thẩm định và cấp phép cũng như quản lý các điểm trông giữ xe tạm này. Đồng thời, các khoản thuế, phí được nộp vào ngân sách địa phương, như vậy sẽ tạo thêm nguồn thu để địa phương tái đầu tư cho hạ tầng. Ngoài ra, các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, tổ chức giao thông vẫn có thể tiến hành theo quy trình như đối với các bãi xe thông thường.
Ngoài ra, điều cần lưu tâm nhất là thời hạn cấp phép cho các bãi xe tạm trên đất trống, đất dự án, điều này rất quan trọng. Nhiều DN được giao đất làm dự án nhưng năng lực yếu kém, hoặc không thực sự mong muốn nghiêm túc triển khai, nên có thể họ sẽ coi việc xin cấp phép trông xe, phục vụ người dân như cái cớ để chây ì.
Do đó cần phân loại rõ, ô đất nào có thể cấp phép, cấp bao lâu. Với những ô đất dự án đã để quá lâu phải xem xét thu hồi để chuyển sang nhà đầu tư khác, nhất là những dự án giao thông tĩnh đã được quy hoạch.
Mặt khác, với các ô đất trống do địa phương quản lý cần định rõ thời hạn tối đa có thể cấp phép, ví dụ như: 2 năm, 3 năm, và khuyến khích DN đầu tư, xin cấp phép một lần cho toàn bộ thời hạn đó. Như vậy hoạt động kinh doanh sẽ ổn định và hấp dẫn hơn đối với DN. Hơn nữa, không thể cấp phép với thời hạn quá ngắn, đầu tư vào rồi không kịp thu hồi vốn sẽ khiến các DN “sợ” làm bãi trông giữ xe tạm.
Bên cạnh đó TP cũng cần điều chỉnh giá trông giữ xe, đặc biệt trong khu vực nội thành. Với mức giá theo quy định hiện hành sẽ không có nhiều đơn vị muốn làm bãi trông giữ xe được cấp phép chuẩn chỉ, phần nhiều sẽ muốn “bắt tay, móc ngoặc” làm bãi lậu.
Theo ông, giải pháp về vấn đề này như thế nào?
- Bản chất nó chỉ là biện pháp tình thế, vì vậy Hà Nội cần tập trung vào hai nhóm giải pháp chính đối với giao thông tĩnh: đẩy nhanh các dự án bến bãi, điểm trông giữ xe theo quy hoạch; và giảm thiểu phương tiện cá nhân.
Bản chất nhu cầu cao là do lượng phương tiện tăng quá nhanh, hạn chế xe cá nhân sẽ kéo theo nhu cầu giao thông tĩnh giảm xuống, gánh nặng của TP cũng sẽ theo đó dần nhẹ đi. Nếu quá sa đà vào những giải pháp tình thế, Hà Nội sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn hơn trong lĩnh vực giao thông tĩnh. Người dân thấy các điểm trông giữ xe được cấp phép càng nhiều lên sẽ càng có tâm lý sử dụng phương tiện cá nhân mức độ cao hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
13:29 20/07/2024