
Việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần hướng đến mục tiêu hiệu quả, vừa khuyến khích để huy động nguồn lực từ vàng đưa vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế đã có trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

Giá vàng trong nước và thế giới gần đây biến động rất mạnh, theo ông nguyên nhân do đâu? Ông có lời khuyên gì cho người giao dịch vàng hiện nay?
- Giá vàng trong nước thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá vàng thế giới. Khi tình hình địa chính trị, đặc biệt là các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có sự biến động mạnh, giá vàng cũng thay đổi theo. Mức độ rủi ro đối với người mua vàng sẽ gia tăng khi giá vàng dao động mạnh như hiện nay. Diễn biến giá vàng trong nước ngoài nguyên nhân do giá vàng thế giới, một phần do cung ít hơn cầu, một phần do yếu tố tâm lý. Nguồn cung vàng trong nước hạn chế, các đơn vị lớn bán nhỏ giọt đã khiến yếu tố tâm lý trên thị trường bị đẩy lên cao.

Hiện giá vàng trong nước đã tăng khoảng 18% so với đầu năm, giá vàng thế giới cũng đã tăng rất mạnh. Tôi cho rằng, trong bối cảnh các yếu tố khiến giá vàng đi lên như căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế chưa có dấu hiệu cải thiện thì từ nay đến cuối năm, xu hướng của giá vàng là tiếp tục tăng. Tuy nhiên, trong quá trình tăng, giá vàng sẽ điều chỉnh do nhà đầu tư chốt lời. Mức độ rủi ro đối với người mua vàng sẽ gia tăng khi giá vàng dao động mạnh như hiện nay. Vì vậy, người dân cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vàng trong thời điểm này để tránh rủi ro.

Khi giá vàng tăng người dân đã xếp hàng đi mua nhưng khi giá vàng giảm lại ồ ạt bán. Ông nhận định gì về tâm lý này?
- Khi giá vàng thế giới tăng quá nhanh khiến cho người dân nóng ruột muốn mua, thậm chí mua bất chấp giá khiến giá trong nước tăng nhanh hơn thế giới. Nhưng khi giá vàng thế giới có thời điểm điều chỉnh giảm thì trong nước lại xuất hiện lực bán, dẫn đến giá trong nước giảm nhanh hơn thế giới.

Những người mua tích lũy trước đây hiện đang có mức lãi từ vàng rất tốt. Nhưng ngược lại, việc đầu tư theo kiểu ăn xổi lướt sóng rất nguy hiểm vì thị trường vàng biến động khó lường. Khi giá vàng lên cao sẽ có hiện tượng các nhà đầu tư bán vàng ra chốt lời và từ đó đẩy giá vàng xuống. Đồng thời, mỗi khi giá vàng trong nước tăng nóng, các công ty kinh doanh vàng thường nới rộng biên độ mua - bán, đẩy rủi ro về phía người mua. Do đó, không nên vay tiền để đầu tư vàng vì dễ bị thiệt hại về tài sản.

Giá bán vàng nhẫn ngang giá vàng miếng SJC, nhiều thời điểm cao hơn cả vàng miếng. Vì sao có hiện tượng này thưa ông?
- Trước đây, giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng rất nhiều, có khi khoảng cách lên cả chục triệu đồng nhưng nay giá lại ngang nhau. Trên thực tế, lượng cung vàng miếng ra thị trường khá hạn chế so với trước đây, do đó người mua chuyển sang mua vàng nhẫn. Trong bối cảnh này, nhẫn trơn 24K là mặt hàng đầu tư, tích lũy được ưa chuộng.
Tuy nhiên, nguồn nhẫn trơn cũng trồi sụt theo từng thời điểm, không dồi dào. Giá thu mua vàng nhẫn vì vậy được nhà vàng đưa lên cao, sát với giá bán ra và thậm chí cao hơn vàng miếng. Bên cạnh đó, vàng nữ trang không có quy định thống nhất về giá cả nên chênh lệch giữa các tiệm vàng, thương hiệu tương đối nhiều.

Giá vàng tăng sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế, sản xuất thưa ông?
- Vàng tăng giá liên tục và thường xuyên thiết lập đỉnh mới có thể gây hệ lụy đối với nền kinh tế Việt Nam vì khi đó, nhà đầu tư có xu hướng chuyển phần vốn của mình vào vàng để vừa đa dạng danh mục đầu tư, vừa hướng đến mục tiêu sinh lợi. Điều này sẽ làm cho nền kinh tế mặc dù thừa tiền nhưng thật ra lại thiếu tiền để phục vụ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, một lượng tiền lớn không được đưa vào sản xuất, kinh doanh sẽ khiến cho việc thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Mỗi khi giá vàng biến động mạnh, "cò" vàng chờ sẵn ở cửa tiệm hoặc trên các hội nhóm giao lưu vàng miếng, vàng nhẫn trên mạng xã hội cũng sôi động. Theo ông điều này đặt ra vấn đề gì đối với nhà quản lý?
- Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành công trong việc đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới, song cung - cầu vàng trên thị trường vẫn chưa gặp nhau.
Thực tế, thời gian qua hầu như NHNN không nhập khẩu vàng nguyên liệu hay cấp phép cho DN nhập khẩu. Điều này khiến nguồn cung trong nước ngày càng khan hiếm và hầu như phụ thuộc nguồn nhập lậu. Trên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam, mỗi năm vẫn có lượng ngoại tệ chảy ra nước ngoài mà không biết đi đâu. Đây chính là ngoại tệ bị xuất ra để nhập hàng lậu, trong đó có vàng.

Một số vấn đề cần sớm triển khai, đó là cho phép tăng lượng cung của vàng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, cho phép cho một số DN đủ tiêu chuẩn đáp ứng điều kiện để nhập khẩu vàng; bỏ thương hiệu quốc gia độc quyền SJC. Cần tăng cường sự phối hợp kết hợp giữa NHNN cùng các bộ, ngành kiểm tra giám sát thị trường vàng theo hướng công khai, minh bạch.
Cuối cùng, Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, chống buôn lậu, đảo bảo cung cầu thị trường để bảo đảm liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới. Đây là điều rất quan trọng, góp phần chống "vàng hóa" trong nền kinh tế.

NHNN đang được giao sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu tài chính, theo ông những điểm chính cần thay đổi trong Nghị định 24 là gì để vừa khơi thông thị trường, vừa hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh?

- Khi sửa Nghị định 24 cần lưu ý thứ nhất, khuyến khích người dân bán vàng và đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Chính phủ, NHNN phải đưa ra các chính sách thật sự hấp dẫn về thuế, các chính sách ưu đãi để người dân không mua vàng mà đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, phải tăng cường niềm tin cho người dân vào đồng nội tệ, bảo đảm chính sách tiền tệ ổn định để người dân an tâm sử dụng VND thay vì giữ vàng.
Thứ hai, cần sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng. Bảo vệ quyền lợi của người dân thông qua bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh, tránh hiện tượng độc quyền kinh doanh vàng hoặc lợi dụng vị thế để thao túng, thống lĩnh thị trường.

Thứ ba, kiểm soát hoạt động nhập khẩu vàng, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cán thân thương mại và tỷ giá hối đoái. Cho phép một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới; đồng thời kiểm soát việc mua vàng của họ bằng quota trong một năm. Nếu có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được Nhà nước bảo hộ, các loại vàng được cạnh tranh sòng phẳng, người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa, giá vàng sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền.
Nếu không nhập khẩu, e là tình trạng buôn lậu vàng sẽ gia tăng, đặc biệt là khi những ngày gần đây giá vàng biến động mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng lên 4 - 5 triệu đồng/lượng.
Thứ tư, phát triển các sản phẩm tài chính, đầu tư thay thế. Nghiên cứu xây dựng thị trường phái sinh vàng, vàng tài khoản hay chứng chỉ vàng huy động trong dân, xem xét lập sàn vàng quốc gia để người dân vẫn có thể đầu tư vàng mà không cần tích trữ vàng vật chất.
Trên thực tế, sàn giao dịch vàng đã tồn tại dù chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động này. Việt Nam đang thiếu những quy định để tạo ra một sân chơi chính thức cho giới đầu tư, giải quyết vấn nạn mua vàng về găm trong két, khiến giá vàng bị đẩy lên cao.

Kinh nghiệm quản lý thị trường ở một số quốc gia có đặc thù gần với nước ta mà có thể tham khảo?
- Quản lý vàng theo cơ chế thị trường không chỉ có ở Trung Quốc mà nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng thực hiện, với việc xem vàng như hàng hóa (commodities). Không ngân hàng T.Ư nào trên thế giới sản xuất và bán vàng, thay vào đó, điều hành thị trường bằng những chính sách, công cụ.
Đơn cử như sàn giao dịch vàng Trung Quốc, nơi mà các DN giao dịch mua bán theo giá niêm yết đầu giờ sáng và đầu giờ trưa. Họ cũng triển khai cho các ngân hàng lớn nhất, có vốn quốc doanh, phát hành chứng chỉ vàng. Các chứng chỉ này được bảo hộ với Sàn giao dịch vàng quốc gia.
Các thành viên giao dịch cũng được phân thành 2,3 cấp độ để giao dịch theo giá ấn định. Theo đó, người dân có thể tham gia giao dịch, mua bán trên vàng chứng chỉ. Chỉ khi cần nhu cầu rút vàng phục vụ chế tác, trao tay vật chất, mới thực sự giao dịch vàng vật chất.
Xin cảm ơn ông!
