Tái chế để bảo vệ môi trường
Những ngày đầu tháng 6, sinh viên Thân Thị Thu Duyên (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), cùng một nhóm bạn kết nối của nhiều trường đại học tổ chức mô hình tái chế rác thải. Duyên đang cùng nhóm bạn tổ chức mô hình tác chế rác thải tại Aeon Mall Hà Đông. Rác tái chế là đồ nhựa, giấy được cắt dán thành những đồ dùng trong gia đình, lọ hoa, con vật cho trẻ em chơi.
Thu Duyên, chia sẻ: “Chúng em tổ chức khá nhiều nội dung, giúp trẻ em tìm hiểu về bảo vệ môi trường tại đây: Phỏng vấn ngắn, học vẽ, chụp hình đổi túi vải thân thiện với môi trường,.... Như bạn nhỏ này, năm nay mới 7 tuổi, sau khi trả lời những câu hỏi liên quan đến môi trường một cách khá tốt, đã được nhóm tặng cho một cây sen đá"
Theo Thu Duyên, chương trình "mô hình đổi rác lấy quà" không phải là mới, nhiều đơn vị đã làm quy mô hơn nhưng nhóm muốn chung tay góp thêm hành động nhằm lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới cộng đồng, nhất là các bạn nhỏ.
"Món quà giá trị nhỏ nhưng khích lệ các bạn nhỏ bổ sung thêm kiến thức về môi trường, đơn cử như cần bỏ rác đúng nơi quy định; phân loại rác; ý nghĩa việc trồng cây xanh;... Chỉ sau 4 ngày tổ chức, nhóm đã nhận được 400kg giấy vụn. Giấy sau khi thu gom nhóm kết hợp với một doanh nghiệp của Nhật Bản chuyên tái chế giấy vụn thành các sản phẩm giấy sử dụng hàng ngày” - Thu Duyên cho biết.
Nâng cao nhận thức của trẻ em về môi trường
Chia sẻ với phóng viên, chị Lê Thị Lý và 2 con tham gia phỏng vấn tại sự kiện, cho biết, chị vừa đi Singapore và Campuchia. Chị thấy Việt Nam và Campuchia giống nhau là xả rất nhiều rác ra môi trường. Ngược lại, Singapore do được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ sớm nên người dân rất có ý thức.
"Ở Việt Nam, người dân còn sử dụng đồ nhựa một lần rất nhiều. Như ở quê tôi, ai đi chợ, mua sắm đều dùng túi nilon. Nó tiện cho người sử dụng nhưng lại bất lợi cho môi trường. Tôi có 2 con trai. Khi cho con tham gia vào hoạt động này, tôi mong muốn giáo dục cho con mình sớm biết cách bảo vệ môi trường, tác hại xả rác ra môi trường như thế nào. Ở nhà tôi cũng hướng dẫn con phân loại rác thải. Chỗ nào để rác tái chế, chỗ nào để rác không tái chế, pin đã qua cũng để riêng và gửi đến địa chỉ xử lý đúng quy định. Thông qua đây, tôi cũng mong muốn các bà mẹ giáo dục con từ sớm biết cách bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường sống tốt nhất cho chúng ta” - chị Lê Thị Lý nói.
Những kiến thức về bảo vệ môi trường như chị Lý kể trên tưởng chừng như giản đơn, nhưng không phải ai cũng biết và thực hiện đúng. Chỉ đến khi các em nhỏ được học, được thực hành nhiều lần mới trở thành thói quen về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh.
Sau đây là một số hình ảnh trong góc tác chế của Nhóm sinh viên tại siêu thị Aeon Mall Hà Đông :