Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mô hình “sông trong ao” tại Thanh Trì: Điểm sáng về nuôi cá sạch

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chúng tôi khá ngạc nhiên, thú vị khi Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh giới thiệu về mô hình nuôi cá sạch “sông trong ao” lớn nhất phía Bắc của huyện đang là một điểm sáng của nông nghiệp Thủ đô.

Mô hình nuôi cá sạch tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thiêm. Ảnh: Như Mạnh
Ưu điểm vượt trội
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu ao rộng khoảng 10ha với 15 bể nuôi cá lớn, anh Nguyễn Văn Thiêm, 42 tuổi, Giám đốc HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng cho biết, khu vực này trước đây là ruộng trũng được chuyển đổi thành ao nuôi cá. Nhìn những bể nuôi dày đặc cá mới thấy, nuôi cá sạch theo công nghệ cao quả là một bước tiến mới của kinh tế nông nghiệp hôm nay.
“Sông trong ao” là mô hình nuôi cá sạch theo công nghệ của Mỹ, nhằm tạo dòng chảy ổn định trong một phạm vi hẹp bằng việc bơm tăng cường oxy vào các bể nuôi cá có chiều rộng 5m, chiều dài 25m. Trên khu ao cá của anh Thiêm có 15 bể nuôi cá, mỗi bể có diện tích 125m2, được xây bằng bê tông, một đầu cao, một đầu thấp như một máng nuôi cá. Đầu bể có máy thổi hút khí, bơm nước vào tạo dòng chảy theo kiểu sông chảy trong bể để cho cá được nuôi trong một môi trường nước giàu oxy. Bể có hệ thống sục khí và thu dọn phân cá lắng xuống ở cuối bể nên ruột cá sạch. Việc tạo dòng chảy với thói quen của cá là thích vận động bơi ngược dòng nên cá nuôi ở đây thịt săn chắc hơn cá nuôi tự nhiên. Hơn nữa, theo dõi được sự phát triển của cá và sớm phát hiện sớm được bệnh tật của cá.
Anh Thiêm cho biết, nước ao được xử lý bằng vi sinh, loại bỏ khí thải, các chất tồn lưu ở đáy ao, dùng vôi làm trong nước và diệt khuẩn để tạo dòng chảy sạch vào các bể nuôi cá theo quy chuẩn môi trường nước sạch của công nghệ Mỹ. Việc nuôi cá trong bể cũng rất tiện cho việc thu hoạch cá và làm sạch môi trường ao. Thức ăn nuôi cá được sản xuất theo công nghệ Mỹ bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP. Các loại cá nuôi trong môi trường sạch này gồm: Trắm, chép, rô phi, diêu hồng… trong đó rô phi là loại cá đang được thị trường tiêu thụ khá tốt.
Gỡ khó đầu ra
Cho đến nay, sau một năm hoạt động, HTX Thủy sản công nghệ cao của anh Thiêm đã đầu tư vào khu nuôi cá “sông trong ao” khoảng chục tỷ đồng cho thiết bị, máy phát điện và các loại máy móc khác, chưa tính tiền cá giống, tiền thức ăn chăn nuôi (riêng tiền thuê khu ao mỗi năm 300 triệu đồng). Sản lượng cá thu hoạch đợt đầu tiên khoảng 70 - 80 tấn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là dù chi phí sản xuất cao hơn, song giá bán của cá được nuôi theo mô hình “sông trong ao” chỉ tương đương với cá nuôi thông thường. Thậm chí, một số siêu thị trên địa bàn TP đã đến lấy mẫu cá đi xét nghiệm, kết quả đạt tiêu chuẩn an toàn nhưng vẫn yêu cầu giá chiết khấu cao 30% như cá thông thường và sau 3 tháng mới thanh toán.
Thời gian đầu, khi thu hoạch cá, anh Thiêm thường bán cho các thương lái. Gần đây, đã có một DN chuyên chế biến thức ăn học đường tìm mua. Hiện mỗi ngày cơ sở nuôi cá sạch của anh Thiêm có thể cung cấp cho thị trường từ 3 - 6 tấn cá. “Cơ sở đang từng bước tiếp cận thị trường nên tôi chấp nhận hy sinh lợi nhuận ban đầu để xây dựng thương hiệu” – anh Thiêm chia sẻ.
Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, mô hình thí điểm nuôi cá sạch “sông trong ao” của anh Nguyễn Văn Thiêm là mô hình lớn của TP Hà Nội, được huyện hỗ trợ 30% kinh phí cá giống ban đầu. Do cơ sở này ứng dụng công nghệ cao, chi phí lớn nên huyện Thanh Trì xác định trong 3 - 5 năm đầu tiên gặp khó khăn, huyện sẽ có sự hỗ trợ.
Bà Tuyết Anh cho biết thêm, vấn đề khó khăn hiện nay là đầu ra, phải tạo ra dòng sản phẩm có sự khác biệt thì mới có lợi nhuận khá. Năm đầu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng nuôi cá sạch, cơ sở này đang trong quá trình tiếp cận thị trường thì việc hòa vốn cũng coi như một thành công. Việc hạn chế dịch bệnh của cá cũng là một vấn đề được cơ sở rất quan tâm trong năm đầu tiên. Huyện cũng đã tổ chức các hội nghị khách hàng để giúp cơ sở giới thiệu sản phẩm cá sạch “sông trong ao”.
Nhìn lại những bài học thành công của kinh tế nông nghiệp ở Hà Nội thời gian qua, có thể thấy một số kinh nghiệm khá nổi bật của huyện Thanh Trì. Cách đây nhiều năm, mô hình trồng rau sạch trên địa bàn huyện chưa tạo được sự khác biệt lớn, chưa có lợi nhuận khá cho người trồng rau nhưng qua việc kiên định tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tăng cường tuyên truyền, đến nay sản phẩm rau sạch của Thanh Trì đã tạo nên sự khác biệt với thương hiệu được khẳng định. Hy vọng mô hình nuôi cá sạch “sông trong ao” của HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng sau một thời gian đi vào thị trường sẽ khẳng định được thương hiệu cá VietGAP.