Đại dịch Covid-19 đã giúp định hình lại các khu thương mại trung tâm trên khắp thế giới và có thể trở thành chất xúc tác cho việc phát triển các mô hình đô thị mới tại nhiều thành phố lớn như Paris, London và Sydney.
Ý tưởng “thành phố 15 phút”
Ý tưởng “thành phố 15 phút”, khởi phát tại châu Âu từ nhiều năm trước, đề cập về viễn cảnh xây dựng khu dân cư/ thành phố nhỏ gọn, đầy đủ tiện nghi, đặc biệt là đưa nơi làm việc về gần nhà để người dân dễ dàng di chuyển bằng cách đi bộ hoặc đạp xe. Mục đích của mô hình này là để cắt giảm việc sử dụng xe ô tô, qua đó giảm lượng khí thải CO2 và duy trì một bầu không khí sạch hơn, một cuộc sống đô thị dễ thở hơn.
Ý tưởng Thành phố 15 phút đề cập về viễn cảnh xây dựng khu dân cư/ thành phố nhỏ gọn, đầy đủ tiện nghi. Ảnh: CEO |
Gần đây, ý tưởng này càng được quan tâm và khả thi hơn nhờ chất xúc tác - đại dịch Covid-19. "Những thay đổi do tác động từ đại dịch Covid-19 cho thấy các siêu đô thị lớn đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai không xa"- Roxana Bobulescu, Phó giáo sư tại Grenoble Ecole de Management, đánh giá.
Đề cập đến quy hoạch phát triển đô thị tại Israel, kiến trúc sư Naama Melis, giám đốc công ty Melis Architects nhận xét: "Một trong những thiếu sót lớn nhất trong việc phát triển đô thị tại Israel là kiến trúc bị lặp lại, xây dựng chung chung và thiếu tính kết nối giữa các khu vực. Các nhà quy hoạch tại Israel đã không quan tâm đến việc quy hoạch đường phố hợp lý cũng như không gian công cộng dành cho cư dân đô thị”.
Các thành phố đang muốn biến mô hình “thành phố 15 phút” thành hiện thực gồm Seattle, Melbourne, Madrid, Thượng Hải và Paris, nhằm phát triển đô thị bền vững và lành mạnh, đồng thời thúc đẩy ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn.
Lợi ích đầu tiên của mô hình “thành phố 15 phút” chính là giảm tải về giao thông, hạ tầng cho các quận kinh doanh trung tâm (CBD) tại các thành phố lớn. Tại Paris, nhằm sớm đạt mục tiêu trung hòa khí các-bon vào năm 2050, chính quyền thủ đô ưu tiên xây dựng đường dành riêng cho người đi bộ và xe đạp. Đồng thời, giới chức Paris cũng khuyến khích người dân tăng cường các hoạt động giao lưu cộng đồng.
Theo phó giáo sư Roxana Bobulescu, mô hình “thành phố 15 phút” có thể là một giải pháp phát triển đô thị trong tương lai, với việc di chuyển nhanh hơn, hoạt đồng cộng đồng nhiều hơn và ít du khách hơn.
Bà Bobulescu cho rằng nhận thức của người dân về các siêu đô thị đang thay đổi. “Liệu các siêu đô thị sẽ lấy lại sức hấp dẫn trong tương lai hay không? Theo tôi, điều này rất khó diễn ra vì hai lý do: sự phát triển của công nghệ làm việc từ xa, người dân muốn sống chậm và lành mạnh hơn nên sẽ tránh xa các siêu đô thị, " bà Bobulescu lý giải. “Tại Paris, một cuộc di cư thành thị đã xuất hiện cùng với thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Sức hấp dẫn của các quận kinh doanh trung tâm đang giảm sút”.
Cũng có nhận định tương tự, David Hensher, Giáo sư Quản lý tại Trường Kinh doanh Đại học Sydney, dự đoán rằng người dân có xu hướng chọn địa điểm làm việc gần nhà của họ hơn.
Xu hướng phát triển khu đô thị đa chức năng
Giáo sư David Hensher cho rằng vào thời kỳ hậu Covid-19, không gian làm việc tại các quận trung tâm có mật độ cao tại các thành phố lớn chắc chắn sẽ thay đổi khi ngày càng có nhiều người lao động đề nghị được làm việc trực tuyến.
“Việc ngày càng nhiều người lựa chọn làm việc từ xa chắc chắn sẽ khiến nhu cầu thuê văn phòng tại các khu trung tâm giảm mạnh. Vì vậy trong tương lai, chủ đầu tư có thể chuyển công năng bằng cách tạo lập các khu đa chức năng, kết hợp giữa không gian làm việc với hoạt động thương mại, giao lưu cộng đồng và không gian mở ngoài trời” - Shauna Brail, Phó giáo sư tại Viện Quản lý & Đổi mới, Đại học Toronto Mississauga, nhận định.
Trong tương lai, tại các thành phố lớn sẽ xuất hiện mô hình các khu đô thị đa chức năng, vừa sử dụng làm việc, vừa phục vụ nhiều mục đích khác. Ảnh: CEO |
Nói về bất cập trong quy hoạch đô thị tại Israel, nhà quy hoạch Sharon Band-Hevroni, đối tác tại BeMida Urban Planning, Business Development and Community Strategy gần đây đã chia sẻ trên Globes: "Các tòa nhà văn phòng tại các khu đô thị của Israel không phát huy hết công năng sử dụng khi chiếm nhiều diện tích nhưng hiệu quả sử dụng không cao. Tại các tòa tháp trung tâm thương mại, không gian quy hoạch không phù hợp với nhu cầu của thị trường, hoặc tạo ra những xung đột không cần thiết”.
Trong tương lai, tại các thành phố lớn sẽ xuất hiện mô hình các khu đô thị đa chức năng, vừa sử dụng làm việc, vừa phục vụ nhiều mục đích khác như hoạt động giải trí hoặc cung cấp chỗ ở.
Đại dịch Covid-19 liệu có chấm dứt điều mà chuyên gia Bobulescu gọi là “sùng bái sự vĩ đại” hay không, câu trả lời sẽ có trong tương lai. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế này cũng tạo cơ hội để các nước quan tâm hơn đến việc phát triển đô thị hợp lý nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu./.