Mô hình “Thành phố 15 phút” giành giải thưởng kiến trúc Obel 2021

Nguyễn Phương (Theo Archdaily)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng “Thành phố 15 phút” vừa được nhận giải thưởng kiến trúc Obel năm 2021 nhằm ghi nhận giải pháp phát triển đô thị bền vững trong tương lai với điều kiện sống thuận tiện nhất cho người dân.

 Ý tưởng Thành phố 15 phút, hay các khu dân cư đa chức năng ngày càng được quan tâm và trở nên khả thi hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Giáo sư Carlos Moreno của trường đại học Sorbonne (Pháp) năm 2016 lần đầu tiên đề xuất mô hình phát triển “Thành phố 15 phút” - nơi mọi nhu cầu thiết yếu của con người như làm việc, học tập, mua sắm, giải trí, khám chữa bệnh… được giải quyết chỉ trong bán kính tương đương 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp.
“Thành phố 15 phút” đặt mục tiêu xây dựng khu dân cư/ thành phố nhỏ gọn, đầy đủ tiện nghi, đặc biệt là đưa nơi làm việc về gần nhà để người dân dễ dàng di chuyển bằng cách đi bộ hoặc đạp xe. Mục đích chính của mô hình này là để cắt giảm việc sử dụng xe ô tô, qua đó giảm lượng khí thải CO2 và duy trì một bầu không khí sạch hơn, đồng thời tạo thêm nhiều không gian công cộng hơn.
Lợi ích đầu tiên của mô hình “thành phố 15 phút” chính là giảm tải về giao thông, hạ tầng cho các quận kinh doanh trung tâm (CBD) tại các thành phố lớn.

Mô hình Thành phố 15 phút ưu tiên tạo thêm nhiều khu vui chơi công cộng dành cho trẻ em.

Giáo sư Carlos Moreno phân tích, mô hình “Thành phố 15 phút” là làm cho phương tiện cơ giới không thể tiếp cận những tuyến đường chính, biến các giao lộ thường xuyên ùn tắc thành quảng trường dành cho người đi bộ và xe đạp, bên cạnh đó tạo ra các “con phố dành cho trẻ em” bên cạnh trường học.
Gần đây, ý tưởng “Thành phố 15 phút”, từng được xem là kế hoạch không tưởng, ngày càng được quan tâm và khả thi hơn nhờ chất xúc tác - đại dịch Covid-19. Mạng lưới các thành phố C40 bắt đầu quảng bá mô hình “Thành phố 15 phút” như một chiến lược phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, chính quyền TP Paris (Pháp) đang tiên phong thực hiện chính sách phát triển đô thị theo mô hình “Thành phố 15 phút”. Thị trưởng Anne Hidalgo đã mời giáo sư Moreno tham gia làm cố vấn cho quá trình thực hiện kế hoạch đổi mới đô thị tại thủ đô Paris.
 Trên thực tế, những thay đổi ở Paris là một phần của kế hoạch mà chính quyền đang ấp ủ, đó là tạo ra một Thành phố 15 phút.

Theo kế hoạch của Thị trưởng Anne Hidalgo, đến năm 2024 tất cả các con phố ở Paris phải có làn dành riêng cho xe đạp, đồng thời xóa bỏ 60.000 (tương đương 72%) chỗ đậu xe hơi trên đường phố, thay vào đó là không gian cây xanh và sân chơi.
Không chỉ Paris, một số thành phố khác như Houston, Milan, Brussel, Valencia, Chengdu và Melbourne cũng đang áp dụng mô hình tương tự. Tại Melbourne (Australia), đang thử nghiệm mô hình “Khu dân cư 20 phút” nơi hầu hết những thứ người dân cần đều có thể tìm thấy trong bán kính đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng chỉ trong 20 phút. Thành phố Milan, Italia cũng đang thử nghiệm “Đô thị 15 phút’ ở khu vực Lazzaretto.
Bên cạnh đó, một số thành phố khác tại Mỹ cũng đang cân nhắc áp dụng mô hình phát triển “Thành phố 15 phút” trong bối cảnh vừa tái khởi động hoạt động kinh tế vừa thích ứng linh hoạt  với dịch Covid-19.
Mục đích của xây dựng Thành phố 15 phút nhằm biến các giao lộ thường xuyên ùn tắc thành quảng trường dành cho người đi bộ và xe đạp.
Theo các chuyên gia, mô hình “thành phố 15 phút” sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị trên thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm giảm nhu cầu đi lại và tiếp xúc trực tiếp nhờ các nền tảng giao tiếp và mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, mô hình này cũng giúp các cư dân chống chọi tốt hơn trước các cú sốc như khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn mọi hoạt động và giao lưu xã hội.
Giáo sư Moreno hiện đang nghiên cứu mô hình “Thành phố 30 phút” - khu dân cư có mật độ thấp hơn.
Giải thưởng Obel thường niên lần thứ ba là một giải thưởng trẻ nhằm tôn vinh những đóng góp đặc biệt của lĩnh vực kiến ​​trúc đối với sự phát triển của con người, bao gồm thiết kế một tòa nhà, quy hoạch tổng thể, dự án về cảnh quan, mô hình phát triển đô thị mới, hoặc một cuộc triển lãm. Mỗi năm, giải thưởng này tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, và năm nay là "giải pháp quan trọng cho những thách thức mà các thành phố đang đối mặt". Hai công trình giành được giải thưởng Obel lần thứ nhất và thứ hai là trung tâm Anandaloy do Anna Heringer thiết kế và công trình Art Biotop Water Garden của Junya Ishigami./.