Mô hình vườn đồng ở Gia Lâm: Cần sự hỗ trợ để phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ một hộ kinh tế khó khăn, nhờ phát triển mô hình kinh tế vườn đồng, gia đình ông Ngô Văn Đỉnh ở thôn Sen Hồ, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm đã có mức thu vài tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững vẫn rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, ngành.

Bắt đầu từ cây đào Nhật Tân

Năm 2003, trong một lần đến làng hoa Nhật Tân, thấy nghề trồng đào cho thu nhập cao, ông Đỉnh chuyển 1.000m2 vườn nhà từ trồng rau ngắn ngày sang trồng đào thế. Quyết là làm, ông “cơm nắm muối vừng” hàng tháng trời ở Nhật Tân để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2008, sau khi trúng thầu gần 2,5ha đất của xã, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để thực hiện mô hình vườn đồng. Cùng với 2.000 gốc đào Nhật Tân, ông trồng thêm 2 vạn cây cam đường Canh, 1 vạn cây quất cảnh, quất thế và 2.000 gốc cam Vinh. Để tăng hiệu quả, gia đình ông đã liên kết với một số hộ làm vườn ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) từ việc đặt gốc, sang ngôi, việc cắt tỉa, uốn thế với từng loại cây đến việc điều tra thổ nhưỡng, tình hình sâu bệnh... Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình tích cực tham dự các lớp tập huấn trồng cây ăn quả do huyện và xã tổ chức. Vì thế, nay chỉ cần nhìn màu lá, sắc hoa các loại cây ăn quả trong trang trại, ông có thể biết đất canh tác thiếu chất gì và cây ăn quả đang bị loại sâu, bệnh nào gây hại, từ đó kịp thời điều chỉnh lượng phân bón và thuốc trừ sâu phù hợp.
Vợ chồng ông Đỉnh cắt tỉa quất cảnh. 	Ảnh: Minh Liễu
Vợ chồng ông Đỉnh cắt tỉa quất cảnh. Ảnh: Minh Liễu
Ông Đỉnh cho biết, gia đình chủ yếu sử dụng đỗ tương loại 1 nghiền nhỏ làm phân bón, ngoài ra còn sử dụng thêm phân lân đầu trâu và NPK. Thuốc trừ sâu thì sử dụng hoàn toàn thuốc vi sinh, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ và chỉ phun phòng sâu bệnh vào thời điểm quả còn non và trước khi quả phân múi (phun cách ly trước thu hoạch ít nhất 60 ngày) nên an toàn tuyệt đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng. 

Với cách làm như vậy, trang trại cây ăn quả nhà ông Đỉnh, cây nào cây nấy quả sáng và sai trĩu cành. Nhiều cây cam Vinh cho trên 2 tạ quả, cam đường Canh ra chùm vài trăm quả/cây. Nhờ linh hoạt trong phát triển mô hình vườn đồng, ngoài giải quyết việc làm thời vụ cho từ 5 - 20 lao động địa phương theo mức lao động thủ công từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, lao động kỹ thuật 600.000 đồng/ngày, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông thu về trên dưới 3 tỷ đồng. Ông còn tận tình phổ biến kiến thức và kinh nghiệm làm vườn cho các hộ trong xã với mong muốn trên địa bàn có thêm nhiều nông hộ làm giàu từ đất nông nghiệp...

Vẫn mong sự tiếp sức

Theo ông Đỉnh, Lệ Chi đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa nên nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là việc thực hiện mô hình vườn đồng đang tăng nhanh. Năm 2015, các hộ thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, chất lượng sản phẩm được nâng cao song sức mua và giá cả đối với hầu hết các loại cây ăn quả đều giảm nhiều so với các năm trước. Do đó, để nông dân yên tâm đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp, nông dân Lệ Chi nói riêng và các xã trên địa bàn huyện Gia Lâm nói chung rất mong được các cấp chính quyền TP quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt, tạo thuận lợi để nông dân được tham gia chuỗi liên kết giữa 4 nhà nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các phương án chuyển đổi, nâng nguồn vốn cho vay thực hiện các mô hình chuyển đổi để khích lệ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng an toàn bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần