Xuất ngoại để thoát nghèo
Trong tháng 10/2023 này, anh Phạm Văn Trờ (34 tuổi, xã Ba Thành) là một trong số 17 người của huyện Ba Tơ sẽ xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản.
Từng tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm ổn định nên anh quyết định đi lao động nước ngoài để học hỏi, nâng cao thu nhập, giúp gia đình có cuộc sống khá hơn.
“Tìm hiểu những người từng đi lao động nước ngoài, thấy họ đi về tích lũy được vốn làm ăn nên tôi mạnh dạn đăng ký”, anh Trờ chia sẻ.
Những năm gần đây, làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một hướng đi ngày càng được nhiều người lựa chọn. Trước anh Trờ, có không ít trường hợp ở huyện Ba Tơ thoát nghèo sau thời gian xuất ngoại làm việc theo hợp đồng.
Sau 9 năm làm việc ở Hàn Quốc với mức thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng, anh Trần Ngọc Sang (43 tuổi, xã Ba Động) có trong tay một số vốn kha khá để kinh doanh ngay tại quê nhà.
“Tôi chỉ mới học hết cấp 3, nếu hồi đó không chọn đi làm việc tại nước ngoài mà ở lại quê hương làm lao động phổ thông thì bây giờ không thể có một số tiền lớn để làm vốn”, anh Sang nói.
Sau khi kết thúc 3 năm như hợp đồng ban đầu, anh Sang tiếp tục gia hạn thêm. Có thu nhập cao, ngoài việc trang trải sinh hoạt tại Hàn Quốc, hàng tháng anh còn gửi về cho gia đình để tích góp.
Một trường hợp khác là anh Phạm Văn Khương (xã Ba Thành), ngay tháng đầu tiên đi làm việc ở Nhật Bản, anh gửi về cho gia đình 30 triệu đồng.
Sau 3 năm, anh Khương đã xây dựng căn nhà khang trang cho ba mẹ, ổn định kinh tế cho gia đình và gia hạn sang Nhật Bản làm việc thêm 1 năm nữa. Hiện tại, Khương đang xây dựng nông trại cho gia đình, dự tính sang năm 2024 sẽ tiếp tục đăng ký sang Nhật Bản làm việc, tùy theo điều kiện được gia hạn.
Những năm trước đây, ảnh hưởng dịch bệnh và tâm lý ngại thay đổi môi trường nên việc đưa người đi lao động làm việc ở nước ngoài trên địa bàn huyện Ba Tơ còn gặp nhiều khó khăn, số người tham gia xuất khẩu lao động ít.
Để giải quyết khó khăn này, huyện Ba Tơ tăng cường phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kết quả tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện có gần 20 lao động đi làm việc ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc với mức thu nhập khá cao.
“Nhờ có chương trình đưa người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng mà nhiều gia đình đã có tiền để sửa sang, xây dựng nhà cửa, dành dụm được khoản vốn để đầu tư sản xuất, thay đổi cuộc sống”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho hay.
Tại huyện Trà Bồng, địa phương này cũng thành lập các đoàn để đến từng hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước về hỗ trợ thanh niên là người đồng bào dân tộc thiếu số, vùng miền núi đi làm việc ở nước ngoài.
“Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 57 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, hiện có 45 em đang học tiếng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương cho biết.
Tập trung thực hiện nhiều giải pháp
Tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tập trung triển khai thực hiện Dự án 4 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững - thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Trong đó có tiểu Dự án 2 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Mục tiêu trong năm 2023 này, tỉnh Quảng Ngãi đưa khoảng 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, riêng các huyện miền núi là 300 lao động.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi Võ Duy Yên, công tác tuyên truyền là quan trọng nhất để người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi hiểu rõ về chương trình đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Không chỉ thông qua các sàn giao dịch việc làm, các buổi hướng nghiệp cho học sinh, đơn vị này còn phối hợp với các địa phương, các hội đoàn thể, đến tận cơ sở, tận các thôn, bản để tuyên truyền.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường lao động khó tính, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cũng tích cực liên kết với các đơn vị tuyển dụng, đảm bảo điều kiện cần thiết cho người lao động xuất cảnh đúng quy định. Đặc biệt là trang bị kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa của nước bạn trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Nhờ đó, tính đến 30/9/2023, tại 5 huyện miền núi của Quảng Ngãi có 109 người đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng, có 39 người đã phỏng vấn đậu các đơn hàng và đang chờ ngày xuất cảnh.
“Đây là một thành công rất lớn đối với công tác đưa người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi đi làm việc tại nước ngoài, bởi so với cùng kỳ năm 2022, số lượng này cao gấp 3 lần”, ông Yên nói.