Mò kim đáy bể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gameshow đang phủ sóng gần như kín các kênh truyền hình Việt. Cuộc chạy đua mua bản quyền từ những chương trình truyền hình thực tế ăn khách trên thế giới hứa hẹn với người xem sự lôi cuốn từ độ "hot" của show đến sự "Việt hóa". Song tìm bản sắc Việt trong các gameshow truyền hình quả là… mò kim đáy bể.

“Ngoại” thắng “nội”

Chưa bao giờ gameshow lại bùng nổ trên truyền hình như hiện nay, không chỉ thi hát, thi khiêu vũ, thi trình diễn và thiết kế thời trang, mà còn thi nấu ăn, thi chơi và cả thi… về độ liều. Quả là đếm không xuể có cả thảy bao nhiêu gameshow đang đua tài trên sóng truyền hình. Điều đáng nói là 10 gameshow thì có đến 9 chương trình hứa hẹn độ "hot" khi mua bản quyền từ những chương trình truyền hình ăn khách trên thế giới.

Riêng ở sân chơi âm nhạc, thời gian đầu chỉ có Vietnam Idol đi tìm thế hệ trẻ cho làng nhạc Vpop, thì giờ cuộc tìm kiếm mở ra mênh mông với “Giọng hát Việt”, Tôi là người chiến thắng, Nhân tố bí ẩn, Ngôi sao Việt… Ngay gameshow “Trò chơi âm nhạc” - một show mang đầy yếu tố Việt qua các mảnh ghép, câu hỏi trắc nghiệm, bản nhạc - thì sau cũng chỉ còn lại cái tên chương trình khoác bên ngoài fomat "Don't forget the lyrics" của Mỹ. Đến các gameshow ở các lĩnh vực khác như Vietnam Next Top Model, Cuộc đua kỳ thú, Vua đầu bếp, Nhân tố bí ẩn, Cặp đôi hoàn hảo… show nào cũng "nhập khẩu" để đưa lên màn ảnh Việt. Thậm chí, các show dành cho trẻ em cũng được dịp trăm hoa đua nở và như một "miền đất hứa" với các nhà sản xuất chương trình. Chỉ trong kỳ nghỉ hè không dài của trẻ mà "nhà đài" đã tung ra một loạt gameshow lớn nhỏ đủ mọi thể loại từ ca hát, nhảy múa, đố vui như: Bước nhảy hoàn vũ nhí, Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, Gương mặt thân quen nhí…

 
Ban giám khảo và các thí sinh trong Chương trình “Giọng hát Việt”.
Ban giám khảo và các thí sinh trong Chương trình “Giọng hát Việt”.
Chương trình nào cũng đi kèm với lời hứa sẽ Việt hóa cho phù hợp với công chúng và thực tế Việt Nam. Song quả là mỏi mắt chờ vẫn không thấy bản sắc Việt mà người làm chương trình hứa hẹn. Các cuộc thi âm nhạc, cả cho người lớn lẫn trẻ nhỏ đều làm khán giả bội thực vì ca khúc nước ngoài, bội thực vì phong cách trình diễn học của ca sĩ ngoại quốc, những lời nhận xét phô trương và thiếu tính Việt của các huấn luyện viên. Thậm chí, chương trình "Ngôi sao Việt" còn khảng khái "tuyên bố" sẽ đào tạo các giọng ca Việt thành một "bản sao" của các ca sĩ Hàn Quốc; Project Runway Vietnam (Nhà thiết kế thời trang Việt Nam) thì đầy vẻ sốt ruột với việc hướng ra thế giới, hướng tới kinh đô thời trang Paris mà lơ là những đường nét, họa tiết mang dấu ấn Việt… Không thể phủ nhận, các gameshow ngoại đang lấn át sóng truyền hình khiến khán giả cảm thấy thiếu hụt các chương trình dành riêng cho người Việt.

Chết yểu?

Không võ đoán khi nói rằng người xem không còn mặn mà với các gameshow trên truyền hình. Rất nhiều khán giả thừa nhận, họ không còn đủ kiên nhẫn để theo dõi từ đầu đến cuối "những trò diễn" của huấn luyện viên hay giám khảo, những màn trình diễn chẳng đâu ra đâu của thí sinh. Thậm chí có người còn thẳng thắn: "Hài kịch hóa là xu hướng của gameshow hiện nay". Quả là những scandal "tạo sóng" để thu hút sự chú ý của dư luận đã không cứu nổi sự dễ dãi, thiếu tính độc đáo, chỉn chu của một chương trình truyền hình. Thế nên người ta đang đặt dấu hỏi: Liệu những show truyền hình ngoại ấy sẽ có tuổi thọ được bao năm?

Cuộc chạy đua truyền hình thực tế tại Việt Nam dù đang bùng nổ là vậy, song người ta đã lờ mờ nhìn thấy sự "giảm nhiệt" nơi khán giả, bởi công thức "scandal + người nổi tiếng" đang dần lỗi thời trong showbiz Việt. Thậm chí có những phiên bản Việt thể hiện sự đuối sức ngay ở mùa giải đầu tiên. Bức tranh truyền hình thực tế Việt cũng đang cho thấy sự bất cập rõ ràng: tràn lan, xa vời và thiếu dấu ấn. Là bởi các phiên bản Việt không hội được trong đó bản sắc Việt - những yếu tố mang hơi thở cuộc sống con người Việt để níu chân người xem. Vì lẽ đó mà cuộc đua gameshow trên truyền hình đang làm người ta nghĩ đến sự "chết yểu", những đời sống ngắn của các fomat ngoại.