Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng các nguồn thu mới

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hình thức kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển hiện nay không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho người dân, DN mà còn đặt ra bài toán cần quản lý thuế chặt chẽ hơn, để huy động các nguồn lực cho ngân sách.

Thời gian qua, cơ quan thuế đã triển khai nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả hình thức kinh doanh mới này. Trong bối cảnh các nguồn thu truyền thống gặp khó do các ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và diễn biến khó lường của kinh tế - chính trị thế giới, việc mở rộng các nguồn thu, khai thác tốt các cơ sở thu lại càng cần thiết.

Đặc biệt, những năm gần đây, các giải pháp miễn, giãn, giảm thuế hỗ trợ các đối tượng khó khăn do Covid-19 cũng khiến ngân sách phải bù đắp một khoản hụt thu nhất định.

Tại Hà Nội, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Cục Thuế TP Hà Nội đã tập trung quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) - là loại hình kinh doanh mới với đối tượng quản lý thuế rộng, phức tạp và phát triển nhanh chóng... theo hướng số hóa.

Theo đó, công tác định danh, định vị đối với tổ chức, cá nhân, thông tin dữ liệu về các giao dịch và đối tượng kinh doanh TMĐT được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 320 DN là chủ sở hữu sàn TMĐT, 54 DN là sàn TMĐT lưu trú, khoảng 21.500 DN, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn Shopee, Tiki, Lazada, thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 591.200 shop...

Nỗ lực của cơ quan thuế trong quản lý các nguồn thu mới, trong đó có nguồn thu từ hoạt động TMĐT đã đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước, bên cạnh các khoản thu truyền thống, đồng thời bù đắp những khoản hụt thu do DN, người dân gặp khó khăn.

Số liệu từ Tổng cục Thuế, đến cuối tháng 4/2024, các nhà cung cấp nước ngoài trong đó có Goolge, Facebook, TikTok đã trực tiếp nộp 3.000 tỷ đồng tiền thuế, lũy kế hai năm đã nộp gần 14.600 tỷ đồng.

Ở địa phương, Cục Thuế TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên khớp nối thông tin giữa căn cước công dân của các cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT gắn với mã số thuế.

Đồng thời đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về số tài khoản ngân hàng, doanh thu, mức thuế, dòng tiền của các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế.

Mới đây, cơ quan thuế Hà Nội đã thí điểm quản lý thuế TMĐT tại quận Hoàn Kiếm. Đây là địa phương có tỷ lệ khớp nối dữ liệu căn cước công dân và mã số thuế cá nhân trên địa bàn quận đạt 99,88% ở thời điểm hiện tại.

Trên cơ sở triển khai thí điểm sẽ tổng hợp đánh giá kết quả và nhân rộng công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trên toàn TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề TMĐT năm 2024 đối với tổng số 2.342 tổ chức, cá nhân. Kết quả bước đầu, Cục Thuế đã thực hiện rà soát và ra quyết định, thông báo theo quy trình kiểm tra là 1.749 tổ chức, cá nhân, theo đó đã xử lý 921 tổ chức, cá nhân và tăng thu ngân sách Nhà nước 104 tỷ đồng.

Có thể thấy, công tác quản lý thuế TMĐT đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh mới với đối tượng quản lý rộng, phức tạp và phát triển nhanh chóng theo hướng số hóa này cũng đặt công tác thu ngân sách trước rất nhiều thách thức.

Sự phát triển nhanh chóng của loại hình này đòi hỏi cơ quan Nhà nước nói chung và các cơ quan thuế, cán bộ thuế cần thêm các kiến thức, kỹ năng mới, cách thức phối hợp trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để công tác quản lý thuế hiệu quả và nhịp nhàng hơn nữa.