Âu Cơ hiện là một trong những tuyến đường quan trọng tại cửa ngõ Tây Bắc Hà Nội, nằm trên trục kết nối gần nhất trung tâm chính trị Ba Đình với sân bay Nội Bài; vừa có ý nghĩa về giao thông vừa có vai trò ngoại giao, phục vụ đưa đón các đoàn khách quốc tế đến Thủ đô. Hiện nay, các cung đường từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, nút giao An Dương - Thanh Niên đã được mở rộng, nâng cao khả năng đáp ứng lưu thông. Tuy nhiên, hiện vẫn còn cung đường Âu Cơ dài hơn 3km, từ nút giao Nghi Tàm - Xuân Diệu đến nút giao Âu Cơ - Nhật Tân khá chật hẹp, giống như một đoạn thắt cổ chày, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác toàn tuyến.
Việc cải tạo, mở rộng đường Âu Cơ là rất cần thiết và phải nhanh chóng thực hiện. Tuy nhiên, do là đê đất kết hợp đường giao thông nên việc cải tạo, mở rộng cần phải có phương án cụ thể, tối ưu. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành |
Đường Âu Cơ là đoạn đê Hữu Hồng kết hợp làm đường giao thông, nằm trong mạng lưới giao thông kết nối với các tuyến đường vành đai và khu vực tiếp cận với các tuyến: QL5, QL3, QL18; là trục kết nối gần nhất từ Trung tâm chính trị Ba Đình với sân bay quốc tế Nội Bài. Tuyến đường hiện trạng có bề rộng chỉ từ 8 - 9m, một số đoạn đã được mở rộng có bề rộng mặt đường từ 15 - 17m; độ chênh giữa mặt đường chính và mặt đường gom hai bên lớn nên kết nối giữa các đường này khó khăn. Đường giao có dốc lớn, bán kính rẽ nhỏ hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, thường xuyên xảy ra tình trạng dồn ứ, tắc đường kéo dài. Trong quá trình rà soát các hạng mục công trình phục vụ hội nghị cấp cao ASEAN năm 2020, TP Hà Nội cũng nhận thấy cần gấp rút đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường Âu Cơ, tiếp nối đồng bộ với dự án xây dựng cầu vượt tại nút An Dương - đường Thanh Niên vừa hoàn thiện.
Sớm có quyết sáchDo tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc mở rộng đường Âu Cơ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo khảo sát đánh giá sơ bộ và thống nhất chủ trương nghiên cứu mở rộng phạm vi thực hiện dự án xây dựng cầu vuợt An Dương - Thanh Niên. Theo đó, sẽ lựa chọn phương án cải tạo đường Âu Cơ tương tự như đã làm với đường dẫn cầu vượt, thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép, kết hợp mở rộng mặt đường. Nhiều chuyên gia cho rằng, từ thực tế công trình cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên cho thấy, phương án điều chỉnh kết cấu đê sang bê tông cốt thép đã đảm bảo cả 3 tiêu chí: An toàn, tối ưu và mỹ quan đô thị. Tiếp tục sử dụng phương án này với đoạn tuyến đường Âu Cơ là hoàn toàn phù hợp và khả thi. Vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng đã có Tờ trình đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc xin cơ chế đặc thù để thực hiện dự án, thay thế một phần đê đất tuyến hữu Hồng đoạn Âu Cơ (từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân) bằng đê bê tông cốt thép. Chiều dài đoạn tuyến là 3,16km, không phải thực hiện giải phóng mặt bằng do chỉ cải tạo trên nền hiện trạng tuyến đường hiện có. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ sử dụng nguồn vốn dự phòng của dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên và ngân sách TP. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 440 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp ước 330 tỷ đồng.
Sau khi dự án hoàn thành, sẽ tạo ra đoạn đê kết cấu bằng bê tông cốt thép đảm bảo kiên cố, vững chắc, an toàn hơn cho tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua nội thành Hà Nội. Đồng thời, tuyến đường Âu Cơ sẽ được mở rộng gấp đôi hiện nay, với 4 làn xe chạy, đường gom 2 làn xe chạy hai bên. UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo cá đơn vị liên quan, hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án, nếu được thực hiện sẽ phấn đấu hoàn thành công trình vào quý I/2020.