Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng phạm vi khám chữa bệnh BHYT từ 1/1/2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/9, Ban Tuyên giáo Thành Ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thông tin về công tác bảo vệ môi trường Hà Nội, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi và chính sách Dân số - sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND và lãnh đạo các phòng, ban liên quan của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Về vấn đề thu Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên 15 tháng gây bức xúc cho các bậc phụ huynh, ông Nguyễn Đức Hòa – Phó giám đốc BHXH TP Hà Nội đã khẳng định, ngay từ trước thềm năm học mới, BHXH TP đã phổ biến cách thu BHYT HSSV năm nay theo phương án thu 6 tháng trước, sau đó khi kết thúc học kỳ I sẽ tiếp tục thu 9 tháng còn lại. Những gia đình đủ điều kiện có thể đóng 1 lần 15 tháng.

Ông Hòa cũng cho biết thêm, từ 1/1/2016, để tạo điều kiện cho người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh, những người đăng ký khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở xuống sẽ được khám chữa bệnh ở tất các bệnh viện tuyến huyện trở xuống trên toàn TP. Từ 1/1/2021, sẽ mở rộng phạm vi này đến tất các bệnh viện từ tuyến TP trở xuống trên địa bàn cả nước. 

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Về Luật BHXH sửa đổi, tại hội nghị, TS Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội đã phổ biến đến các đại biểu 3 nội dung và 8 chính sách cơ bản được sửa đổi. Theo đó, trong lần sửa đổi này, đối tượng tham gia BHXH sẽ được mở rộng, phấn đấu đến năm 2020, 50% tỷ lệ người lao động tham gia BHXH.

Tuy nhiên TS Lợi cũng đưa ra nhận định, mục tiêu này khó có thể đạt được bởi lẽ hiện nay tỷ lệ người lao động tham gia BHXH mới chỉ đạt được 22,7%. Tuy nhiên, trong các chính sách cơ bản được sửa đổi, BHXH Việt Nam cũng đã chú trọng đến việc điều chỉnh các chính sách nhằm đảm bảo cần bằng ngân sách BHXH, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam để tất cả người lao động tham gia BHXH sẽ được cấp thẻ an sinh xã hội, nắm được số tiền bảo hiểm mình đã đóng và sự phát triển của quỹ bảo hiểm này.

Cũng tại hội nghị, những nét mới của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), hiện trạng môi trường Thủ đô trong 5 năm qua cũng được ông Phạm Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường phổ biến. Theo đó, đến nay trên địa bàn TP có 1.350 làng nghề đã được công nhận. Tuy nhiên vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây lại đang ở mức cảnh báo. Trong khi đó, Sở lại thiếu thanh tra chuyên ngành môi trường nên công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Ông Khánh cho biết, trong thời gian tới sẽ kiến nghị TP sắp xếp, tái cơ cấu lại các làng nghề, một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường nặng sẽ cấm sản xuất. Phong trào kêu gọi tái sản xuất, thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ, tăng tỷ lệ thu gom rác thải sẽ được Sở đầu tư và chú trọng trong thời gian tới.

Về vấn đề Dân số - sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn Thủ đô, GS.TS Đào Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ các vấn đề Xã hội (Ban Tuyên giáo T.Ư) đã đánh giá công tác dân số của Hà Nội trong những năm qua. Theo ông Đào Văn Dũng, Hà Nội đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", chất lượng dân số đang từng bước được nâng cao, tạo điều kiện cung ứng nguồn nhân lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác dân số đang đối mặt với nhiều vấn đề như: Đông dân, địa bàn rộng, dân trí không đồng đều; tỷ lệ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ cao; tăng dân số cơ học cao hơn tăng dân số tự nhiên. Chính sách DS-KHHGĐ còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp sinh con thứ ba trở lên.