Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động sang các nước Châu Âu

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đưa 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Và, sẽ mở rộng thị trường sang các nước Châu Âu để tăng số người đi xuất khẩu lao động.

Theo nhận định của Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 có dấu hiệu khởi sắc. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch được giao 90.000 lao động. Một số thị trường chính có nhiều người lao động xuất cảnh, đó là: Nhật Bản 67.295 người lao động, Đài Loan 58.598 người lao động, Hàn Quốc: 9.968 người lao động; Singapore 1.882 người lao động…

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang hướng dẫn người lao động làm hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Trần Oanh. 
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang hướng dẫn người lao động làm hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Trần Oanh. 

Cùng trong năm 2022, Trung tâm Lao động ngoài nước đã đưa được 9.815 người lao động đi làm việc ở các thị trường, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, chương trình EPS 8.909 người, chương trình IM Japan 784 người, chương trình điều dưỡng viên Đức 108 người, chương trình hộ lý Nhật Bản 14 người.

Trong công tác tuyển chọn, làm thủ tục và quản lý người lao động, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp chặt với Văn phòng HRD tại Việt Nam, các đơn vị liên quan của Bộ LĐTB&XH và sở LĐTB&XH các địa phương hoàn thiện thủ tục và tổ chức xuất cảnh cho 8.095 người lao động; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn bị nguồn cho năm tiếp theo. Đối với khoảng 6.500 người lao động đã được tuyển dụng từ các năm trước và 5.200 người được chọn mới trong năm 2022, Trung tâm Lao động ngoài nước đã hoàn thiện các thủ tục để nhanh chóng cho lao động xuất cảnh.

Để hỗ trợ người lao động và thực tập sinh về nước có việc làm ổn định với mức thu nhập khá, Trung tâm Lao động ngoài nước đã tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm tại các tỉnh, TP thu hút 258 DN, 1.115 người lao động chương trình EPS và 537 thực tập sinh tới phỏng vấn. Đồng thời, Trung tâm hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục chi trả khoản tiền hỗ trợ khởi nghiệp cho 436 thực tập sinh về nước; phối hợp hỗ trợ cho trả khoản tiền hỗ trợ khởi nghiệp do HRD chi trả và 56 khoản bảo hiểm do Samsung chi trả với tổng số tiền tương đương 5,4 tỷ đồng.

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo kế hoạch Chính phủ và Bộ LĐTB&XH giao năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung vào các thị trường có thu nhập cao và ổn định. Đồng thời hoàn thiện, thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận.

Cục sẽ tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở một số quốc gia Châu Âu trong các ngành nghề mới có công việc ổn định và thu nhập cao.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Cục Quản lý lao động ngoài nước đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Để hoàn thành mục tiêu đưa 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục công tác phổ biến và triển khai pháp luật để Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn Luật đi vào cuộc sống. Cục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục công tác ổn định thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài.