Mobile money: Chủ trương có, vẫn khó triển khai

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh toán điện tử hiện nay tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán bán lẻ của người dân khu vực thành thị, trong khi khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Nhưng với Mobile money (sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán qua điện thoại di động) có thể tiếp cận đến 70% dân số khi những khách hàng này quen với việc sử dụng điện thoại. Dù đã có chủ trương của Chính phủ nhưng đến nay chưa được triển khai chính thức tại Việt Nam.

 Ảnh minh họa.

Đảm bảo tiền cho khách hàng
Các DN viễn thông tại Việt Nam đang rốt ráo chuẩn bị cho dự án này và đã đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho DN viễn thông tham gia thanh toán điện tử. Lý do là việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện cần có tài khoản ngân hàng, mà số tài khoản ngân hàng mới phủ tới 30 - 40% người dân. Trong khi đó, hệ thống tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số. Tuy vậy, thanh toán Mobile money đến nay vẫn chưa được triển khai tại Việt Nam vì còn cần thời gian hoàn thiện. Do không thông qua tài khoản ngân hàng, việc nạp tiền vào Mobile money sẽ được thực hiện qua đại lý, nên việc quản lý luồng tiền của các đại lý, giám sát các đại lý nhận tiền của người dùng cho các trung gian thanh toán… là điều mà cơ quan chức năng phải lường trước để có giải pháp ngăn chặn.
Ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng, nên ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Còn với Mobile money thì việc xác thực, lưu trữ dữ liệu và các vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật cho khách hàng do công ty viễn thông chịu trách nhiệm. Cần phải xây dựng khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ và phân rõ trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.
TS.LS Bùi Quang Tín
Vụ trưởng Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, phương án cho các DN viễn thông triển khai thí điểm Mobile money đang được triển khai. Đối tượng hướng đến là các công ty viễn thông đã được NHNN cấp phép trung gian thanh toán. Hạn mức thanh toán dự kiến cho Mobile Money là 10 triệu đồng (hơn 400 USD)/tháng. Theo ông Dũng, “hạn mức bước đầu như vậy, sau sẽ điều chỉnh phù hợp cho thị trường phát triển”. Tiền nạp vào ví Mobile money phải theo nguyên tắc 1 - 1, tức là nếu khách hàng đến đại lý nạp 100.000 đồng vào ví Mobile money thì trong ví phải có 100.000 đồng, như vậy sẽ không có chuyện nếu người mua thẻ cào với giá khuyến mại 90.000 đồng, khi nạp vào ví là có 100.000 đồng.
Ngoài ra, “quyền lợi của khách hàng khi sử dụng Mobile money phải được đảm bảo. Tổng số dư của Mobile money phải tương ứng với số dư công ty ví ấy gửi đảm bảo tại ngân hàng và chỉ sử dụng tài khoản đảm bảo ấy cho mục đích sử dụng ví. Công ty Mobile money có thể thua lỗ, phá sản, tiền khách hàng nạp vào ví vẫn được đảm bảo ở ngân hàng” - ông Dũng nói thêm.
Ngăn chặn kẽ hở giao dịch
Theo các chuyên gia, để phát triển dịch vụ Mobile money ở Việt Nam, kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu Nhà nước không kiểm soát được nguồn tiền, sẽ xuất hiện kẽ hở để thực hiện các giao dịch rửa tiền, đánh bạc qua mạng và các giao dịch phi pháp khác.
Một vấn đề khác là định danh khách hàng (KYC). Với ví điện tử, KYC do ngân hàng lấy thông tin khách hàng, thì với Mobile money, các nhà mạng và các đại lý phải tự thực hiện. Vấn đề đặt ra là, liệu nhà mạng có đảm bảo được an toàn dữ liệu khách hàng, thông tin khách hàng có chính xác, có đảm bảo được vấn đề chống rửa tiền, an ninh bảo mật…
Điện thoại và SIM là phương thức giao tiếp còn số tiền trong ví điện tử lưu trong hệ thống công nghệ thông tin của nhà mạng, như vậy tài khoản Mobile money và SIM điện thoại cũng phải được định danh. Trong khi hiện lượng SIM rác vẫn còn khá nhiều, điều này sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần xem xét.
“Để có thể triển khai Mobile money, nhà mạng viễn thông cần các điều kiện như được phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, có nghiệp vụ xác minh thông tin khách hàng, loại bỏ thuê bao sim rác, có nguồn tài chính đảm bảo thanh toán”- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên cho biết.
Tại cuộc họp Giao ban Quản lý Nhà nước quý III/2019 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện ra SIM rác, nhà mạng sẽ không được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Mobile money. Chia sẻ về kế hoạch xử lý SIM rác, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Hoàng Minh Cường cho biết, trong quý III của năm nay, Bộ đã xử lý quyết liệt tình trạng SIM rác. Bắt đầu từ ngày 1/10/2019, Bộ TT&TT sẽ tiến hành thanh tra việc xử lý SIM rác trên diện rộng với sự tham gia của các Sở TT&TT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần