Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mobility Services xuất hiện

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đại dịch Covid-19 đã đặt ra con người trước những thách thức mới cho ngành GTVT, nhưng nó cũng tạo ra những cơ hội cho sự đổi mới" - ông Brett Wheatley là Giám đốc điều hành của TransLoc, một công ty giải pháp phần mềm giao thông Mỹ khẳng định.

Hệ thống xe đạp công cộng tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Đức Huy
Hệ thống xe đạp công cộng tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Đức Huy

Năm 2022, các nhà hoạch định phát triển GTVT thế giới phải hướng tới các công nghệ mới - chẳng hạn như xe tự hành (AV), xe điện (EV), dịch vụ theo yêu cầu và tích hợp giải pháp thông minh - mở đường cho các hệ thống giao thông nâng cao sẽ thúc đẩy ngành và cộng đồng của chúng ta phát triển.

Năm 2022, thế giới sẽ chứng kiến phương thức vận tải đa phương thức gia tăng, chúng ta sẽ thấy các dịch vụ vận tải và công nghệ micromobility mới phá vỡ những cách di chuyển truyền thống lâu nay.
Khá nhiều người Việt Nam đang lạ lẫm về Mobility Services, một khái niệm phổ biến chỉ các loại hình dịch vụ di chuyển hành khách. Hiện nay, có 3 phương thức chính để người dân đi lại mỗi ngày trong các đô thị, đó là phương tiện công cộng (public transportation), phương tiện cá nhân (vehicle ownership) và mobility services. Đối với dịch vụ di chuyển các TP lớn trên thế giới, taxi & ride-hailing, car-sharing và micro-mobility là các loại hình được sử dụng nhiều nhất.
Theo PGS.TS Lê Quân (Đại học GTVT Hà Nội): “Hiểu nôm na, bạn trả tiền để được di chuyển từ A đến B bằng một loại phương tiện nào đó, thì đó là mobility services. Phân khúc của dịch vụ này khá đa dạng, được phân chia từ cách thức di chuyển (trên mặt đất hay trên không trung) đến độ dài quãng đường hay hình thức hợp đồng di chuyển. Ta có thể nêu một số loại hình như: máy bay, taxi, xe công nghệ, car-sharing, bike-sharing...”.
Điểm mạnh của micro-mobility là sự linh hoạt, nhanh nhạy trong các con phố nhỏ tại trung tâm TP như khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm. Phần lớn các đô thị châu Âu hiện nay vẫn còn dấu ấn quy hoạch từ nhiều thế kỷ trước, đặc biệt là trong các quận trung tâm, các con đường thường nhỏ và hẹp. Hơn nữa, sử dụng các phương tiện như xe đạp sau khi rời xe bus sẽ giúp người dân tránh được những con đường đông đúc và tình trạng kẹt xe. Điều này sẽ thúc đẩy người dân đi xe bus, metro khi điểm đến là các địa chỉ nằm trong các ngách nhỏ.
Hiện nay, Hà Nội đã bước đầu tích hợp metro với xe bus, hiện có trên 50 tuyến xe buýt ở Hà Nội kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đây được coi là giải pháp quan trọng thu hút người dân sử dụng đường sắt trên cao. Nhưng vẫn phải chờ khi tình hình dịch Covid-19 giảm đi mới cảm nhận được hiệu quả.

Trước đây người ta đã kết nối xe bus với đường sắt để phục vụ khách đi tàu qua ga Hà Nội nhưng hiệu quả không cao do thiếu sự phối hợp về giờ giấc. Đơn giản như việc tích hợp hệ thống tín hiệu đường ngang tại các ngã ba, ngã tư Hà Nội giữa đường sắt, đường bộ để giảm thiểu ùn tắc khi tàu qua vẫn chưa có ai chủ trì. Hiện tượng đèn xanh của đường bộ khi đường sắt đóng chắn lâu nay vẫn gây sự bức xúc không đáng có cho người dân.
Nhưng trên thế giới đã hình thành các công ty micro-mobility, kết hợp vài loại phương tiện giao thông với nhau. Người Mỹ bắt đầu thử nghiệm các phương tiện giao thông cá nhân, nhỏ hơn như xe đạp và xe tay ga, nhiều người nhận thấy rằng những dịch vụ này giúp lấp đầy những khoảng trống trên đường đi làm của họ, tạo ra trải nghiệm đi lại liền mạch và hiệu quả. Ví dụ: Các công ty vùng Michigan, ngoại ô Detroit (Mỹ) hợp tác chặt chẽ hơn với một công ty con khác của Ford Motor Co. để khởi động một hệ sinh thái di chuyển tích hợp trong khuôn viên của Đại học California San Diego, tối ưu hóa các loại hình vận tải để giúp 75.000 sinh viên, nhân viên qua xe buýt, xe đẩy, xe đạp điện và xe tay ga điện tử. Công nghệ đã giúp cho mọi việc điều phối hàng ngày được nhịp nhàng, ăn khớp và đang được người dân hài lòng.