Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre trị giá trên 300 triệu USD

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc… với kim ngạch khoảng 300 - 400 triệu USD.

Diện tích trồng tre Việt Nam khoảng 1.592.205 ha, phân bố tại hầu hết các tỉnh trên cả nước
Diện tích trồng tre Việt Nam khoảng 1.592.205 ha, phân bố tại hầu hết các tỉnh trên cả nước

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam”, do Bộ NN&PTNT phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 4/8, tại Hà Nội.

Theo Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Hoàng Yến, tổng diện tích trồng tre Việt Nam khoảng 1.592.205 ha phân bố hầu hết tại các tỉnh trên cả nước, có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000 ha. Với 6,5 tỷ cây, hàng năm khai thác 500 - 600 triệu cây, khoảng 2,5 - 3 triệu tấn.

Sản phẩm chính gồm nguyên liệu thô, vật liệu xây dựng, chiếu, mành, tre đan, dụng cụ gia đình… Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre trị giá khoảng 300 - 400 triệu USD, trong đó, thị trường xuất khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Cả nước có 251 doanh nghiệp chế biến tre, trong đó 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cả nước có 251 doanh nghiệp chế biến tre, trong đó 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mặc dù cây tre có nhiều ý nghĩa trong sinh kế gia đình và kinh tế quốc dân; hấp thụ các bon và chống biến đổi khí hậu; sử dụng nguyên liệu “xanh” thay cho gỗ tự nhiên và hợp chất hóa học; phát triển du lịch sinh thái và cảnh quan kiến trúc; lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, tuy nhiên, ngành tre Việt Nam cũng đang đối diện với những khó khăn trong phát triển bền vững.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Hoàng Yến, hiện nay có rất ít nguồn giống tốt và đang có dấu hiệu suy thoái giống. Diện tích đang bị thu hẹp, trình độ canh tác thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư; công nghệ chế biến lạc hậu so với thế giới; thiếu chính sách hỗ trợ phát triển và sản xuất kinh doanh; vốn đầu tư ban đầu cao, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa chủ yếu là sản phẩm thô, tươi; sản phẩm còn chưa đa dạng, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng; thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi cả về chiều dọc và chiều ngang; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tre còn yếu và thiếu thông tin thị trường.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT ) Nguyễn Văn Diện đánh giá, hiện cả nước có 251 doanh nghiệp chế biến tre, trong đó 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn (trên 15 tỷ đồng) chiếm khoảng 5%.

Hiện, sản phẩm từ tre Việt Nam xuất khẩu đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 5 thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hà Lan. Tuy nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp chưa được chú trọng. Hiện có khoảng 10 nghìn lao động làm việc tại các doanh nghiệp chế biến tre, khoảng trên 300 nghìn lao động nông thôn tham gia vào hoạt động trồng, khai thác, chế biến tre, hầu hết lao động chưa qua đào tạo tại các trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng cho ngành tre Việt Nam là rất lớn, nhưng hiện vùng nguyên liệu vẫn chưa thực sự tập trung. Bên cạnh đó hoạt động chế biến ngành hàng tre đang khá manh mún. Số doanh nghiệp lớn chuyên chế biến các sản phẩm từ cây tre chưa nhiều. Cả nước với 600 làng nghề mây tre đan nhưng đa phần là các hộ cá thể, nhỏ lẻ. Chưa có 1 tiêu chuẩn và hành hàng pháp lý riêng cho việc trồng, chế biến và sử dụng nguyên liệu tre trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam thời điểm hiện tại là 1 rào cản lớn nhất khiến chuỗi ngành hàng tre chưa thể kết nối và phát huy hết tiềm năng của mình.

Với quy mô thị trường toàn cầu sẽ đạt xấp xỉ 83 tỷ USD vào năm 2028, cùng tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,7%, thị trường cho sản phẩm từ cây tre, đây được đánh giá là ngành hàng vô cùng tiềm năng cho nông nghiệp nước ta. Mặc dù có diện tích trồng tre cùng với các giống tre chất lượng cao ngang bằng với các quốc gia trên thế giới nhưng hiện ngành tre Việt vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng của mình. Do đó, rất cần 1 tiêu chuẩn riêng và hành lang pháp lý để phát triển ngành tre Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nhiều nơi chưa xác định được vai trò, giá trị của cây tre. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với người trồng và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu và tiêu thụ trong nước còn rời rạc chưa tập trung, đặc biệt là xây dựng các vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, bên cạnh xây dựng lại vùng nguyên liệu tre tập trung, hiện Bộ NN&PTNT  đang đề xuất lên Bộ Nội vụ thành lập Hiệp hội Tre luồng Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề và cơ sở gắn kết ngành tre Việt trong các năm tới đây.