Công tơ điện có sai số nhất định
Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) khẳng định, các loại công tơ điện sử dụng cho các khách hàng sinh hoạt hiện nay đều đã qua kiểm định đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vị này cho rằng, các công tơ điện được đưa vào sử dụng trong thực tế đều có một vài sai số nhất định, nhưng đều nằm trong biên độ cho phép.
“Khi cơ quan kiểm định chất lượng công tơ điện đều được thực hiện trong môi trường tối ưu như phòng thí nghiệm, có nhiệt độ tiêu chuẩn còn khi công tơ điện lắp đặt và sử dụng trong điều kiện môi trường thực tế, nhiệt độ nóng lạnh cũng như độ ẩm ở những thời điểm khác nhau, phụ thuộc theo mùa của thời tiết thì thì sẽ có sai số nhất định nằm trong biên độ cho phép” – đại diện EVN HANOI lý giải.
Đồng thời, bất kỳ khi nào khách hàng sử dụng điện có nghi ngờ chất lượng công tơ điện cũng như chỉ số công tơ điện đều có thể yêu cầu EVN HANOI kiểm định lại công tơ. Trong thời gian chờ đợi kiểm định, EVN HANOI có thể cung cấp công tơ điện khác thay thế cho các hộ sử dụng điện sinh hoạt đến khi có kết quả kiểm định và lắp đặt hoàn trả công tơ điện cũ. Trường hợp khách hàng vẫn không tin tưởng vào kết quả kiểm định của ngành điện, khách hàng hoàn toàn có thể tự đưa công tơ điện đến kiểm định tại Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm.
EVN HANOI khẳng định thường xuyên và liên tục bảo đảm cung cấp các thông tin liên quan đến giá điện, tiền điện hàng tháng. Khách hàng cũng hoàn toàn có thể tra cứu chỉ số sử dụng điện sinh hoạt tại bất kỳ thời điểm nào cũng như bất kỳ những thắc mắc liên quan đến tiền điện, chỉ số điện… đều được giải đáp thông qua tổng đài chăm sóc khách hàng ở số điện thoại 19001288.
Tuy nhiên, báo cáo kết quả công tác kiểm tra liên ngành ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH&CN), Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) sau khi đã kiểm tra tại 5 tổng công ty điện lực và một số đơn vị trực thuộc lại cho kết quả đáng suy ngẫm.
Theo báo cáo, điện năng tiêu thụ trong 4 tháng mùa Hè tăng trung bình khoảng 20 - 50% so với các tháng khác. Các năm trước, mức sử dụng cao nhất thường rơi vào tháng 7 nhưng năm nay, ngay từ tháng 6 đã tăng rất cao. Bên cạnh việc chỉ số điện tăng do ảnh hưởng của nắng nóng, sử dụng các thiết bị nhiều hơn, báo cáo cũng đề cập đến tình trạng sai sót do quá trình ghi chỉ số công tơ. Trong tháng 6/2020, số khách hàng được hiệu chỉnh hóa đơn do sai số, nhân viên nhập chỉ số sai là 6.271 khách hàng (chiếm tỷ lệ 0,022% trong tổng số khách hàng), trong đó có 675 khách hàng được điều chỉnh giảm tiền sử dụng điện do nguyên nhân ghi sai chỉ số. Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, thời gian qua, đã xảy ra một số sai sót trong quá trình ghi chỉ số công tơ, cập nhật số liệu, phát hành hóa đơn tại một số công ty điện lực…
Tăng giảm 30% sẽ phúc traTrưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ, quy trình ghi chỉ số công tơ được thống nhất trên toàn tập đoàn và được quản lý qua phần mềm theo đúng quy định. Với công tơ cơ khí, việc ghi chỉ số công tơ cơ khí được thực hiện thủ công bằng thiết bị chuyên dụng do công nhân ngành điện thực hiện.
Đối với các công tơ điện tử, ngành điện đều có thể ghi nhận chỉ số công tơ điện từ xa qua các thiết bị và phần mềm quản lý.
“Việc kiểm soát ghi chỉ số công tơ được thống nhất toàn EVN và các đơn vị thành viên, quản lý trên phần mềm CMIS.3.0; vừa rồi đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, thì công tác này được thực hiện tốt. Bất kỳ công tơ điện của khách hàng khi được ghi nhận có chỉ số tăng giảm 30% so với mức bình thường, ngành điện đều có tiến trình phúc tra và quá trình này được thực hiện tại hiện trường” – ông Nguyễn Quốc Dũng nói và nhấn mạnh, quá trình phúc tra này được thực hiện trong vòng 24 giờ để kịp thời phát hiện xem sai sót do công tơ điện hay sai sót từ việc ghi nhận chỉ số. Đặc biệt, đối với các công tơ điện tử, khách hàng đều có thể giám sát, kiểm soát chỉ số tiêu thụ điện hàng ngày.
Cũng theo ông Dũng, thời gian qua đã có 0,22% khách hàng có thắc mắc liên quan đến chỉ số công tơ điện. Những thắc mắc về chỉ số công tơ điện được đọc ghi bằng nhân công vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất do nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả sai sót do công nhân đọc sai chỉ số. Một số trường hợp dẫn đến việc đọc chỉ số sai là do công tơ điện được lắp đặt trong nhà, công nhân đọc chỉ số tiêu thụ điện không gặp được khách hàng, không tiếp cận được trực tiếp công tơ điện nhưng vẫn được phép ghi theo đặc tính, theo quy định là chỉ số điện tháng đó tương đương với những tháng trước và quy trình này được cho áp dụng tối đa 2 tháng.
Vị này lý giải, khi dẫn tới sự “vênh” chỉ số giữa khách hàng và ngành điện nhưng khi có khiếu nại, các bên đều chủ động giải quyết một cách ổn thỏa. Trong tháng 6 vừa qua, đã có đến 63.000 yêu cầu của khách hàng (chiếm 5% tổng số yêu cầu) và ngành điện đã xử lý xong 419 trường hợp chiếm 0,66% yêu cầu liên quan đến tiền điện. Trong bất cứ trường hợp tiền điện tăng hàng vài chục lần do cách đọc chỉ số sai, các công tơ này đều được kiểm định lại và đánh giá bảo đảm chất lượng.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng khẳng định, việc quản lý và sử dụng công tơ điện hiện nay đều được thực hiện theo Luật Đo lường và được quản lý bằng phần mềm. Những công tơ đến hạn kiểm định đều phải kiểm định nghiêm ngặt để hoạt động đúng theo Luật Điện lực và Luật Đo lường.
Thừa nhận có các sai sót trong quá trình ghi chỉ số công tơ, chốt số điện thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho rằng đây là sai sót cá nhân, không liên quan đến hệ thống đo đếm, kỹ thuật. Ngành điện cũng khẳng định quá trình từ lúc ghi chỉ số, lập hóa đơn, phát hành hóa đơn, thông báo và khách hàng trả tiền điện đều độc lập. Người ghi số điện thì không tính hóa đơn, người lập hóa đơn không thu tiền điện. Quy định này của ngành điện nhằm tránh nguy cơ trục lợi của nhân viên nếu cố tình ghi sai chỉ số điện.
Người dân đang thiếu thông tin và ngành điện cần truyền thông nhiều hơn nữa. EVN có thể tuyên truyền để khách hàng biết được mức tiêu thụ hàng ngày, cảnh báo tiêu thụ quá cao, qua đó không bị quá bất ngờ khi thấy hóa đơn cuối tháng tăng vọt. Nếu để dồn vào cuối tháng với con số lớn thì người dân sẽ “sốc”, trong khi cảnh báo số tiêu thụ hàng ngày, người dân sẽ cân đối được phương án sử dụng tiết kiệm hơn. Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng |
Thời gian vừa qua, trong những đợt kiểm tra việc ghi chỉ số công tơ và tính hóa đơn tiền điện, đoàn kiểm tra đã ghi nhận có 1.025 trường hợp yêu cầu kiểm tra công tơ và sau khi kiểm tra thì hầu hết đều đạt theo sai số cho phép. Chỉ có 6 công tơ (0,58%) cho sai số nhưng đến nay, ngành điện cũng đã có xử lý, thực hiện hoàn tiền, thu tiền với những trường hợp này. Ông Bùi Trung Dũng (Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH&CN) |