Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi tuần một cuốn sách: Lý giải “Quốc gia thăng trầm”

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ruchir Sharma được coi là ông thầy kinh tế khi cho ra đời cuốn “Quốc gia thăng trầm” để lý giải sự thăng trầm của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế thế giới Financial Times, tác giả đã không đưa ra các giải pháp cho nền kinh tế thế giới. Ông nhìn thấu các nguyên lý biến động ảnh hưởng lên thế giới hiện đại.
 
Trong cuốn sách, hệ thống “mạch ngầm” và sự kết nối tương tác lẫn nhau giữa các nền kinh tế được thăm dò và trình bày một cách dễ hiểu. Từ đó, người viết phô ra bức tranh toàn cảnh nền kinh tế cũng như sự thịnh vượng và suy vi của các quốc gia, các thế lực chính trị để cho hoạt động kinh doanh mậu dịch toàn cầu hiện ra các đường mạch chính yếu của nó. Sharma có sở trường rõ rệt trong việc so sánh giữa các quốc gia. Cuốn sách mang tới cái nhìn tổng quan về lịch sử và cơ chế vận hành, cũng như đặc trưng của các nền kinh tế thế giới, từ đó phóng chiếu về viễn cảnh tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Những vấn đề vĩ mô ấy được đưa ra từ một điểm nhìn phù hợp và thông thoáng.

Ở “Quốc gia thăng trầm”, người viết không chỉ căn cứ trên vận động của các nền kinh tế thế giới thông qua nhiều đợt khủng khoảng trải dài từ những thập kỷ cuối thiên niên kỷ trước đến những năm đầu của thiên niên kỷ thứ III, mà còn mở rộng biên độ góc nhìn đối với nền văn minh nhân loại nói chung. Dường như ở điểm nhìn, người viết còn quan sát bằng cảm thức về sự biến đổi luân chuyển của các đế chế và các trung tâm kinh tế thế giới trước đó. Thế nên, người viết đi đến chỗ phát hiện các quy luật vận động mang tính cơ bản, đồng thời dự đoán cho tương lai. “Quốc gia thăng trầm” mới được Nhà xuất bản Thế giới và Phương Nam Books phát hành.