Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi tuần một cuốn sách: “Sài Gòn những biểu tượng” qua 19 câu chuyện

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Mỗi tác giả trong cuốn sách “Sài Gòn những biểu tượng” mang đến một góc nhìn khác nhau về Sài Gòn với những nét cũ và mới đan xen hài hòa.

Sách không chỉ nêu nhiều hình ảnh đặc trưng của Sài Gòn qua năm tháng mà gợi mở những cuộc khám phá, ghi nhận về hệ giá trị Sài Gòn hôm nay và mai sau.
 
“Sài Gòn những biểu tượng” tập hợp 19 câu chuyện qua trang viết của các cây bút, họ là những nhà văn, nhà báo nổi tiếng như: TS Huỳnh Như Phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, nhà báo Phạm Công Luận, nhà văn Khải Đơn, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, nhà thơ Trần Lê Sơn Ý... Trong mỗi câu chuyện, các tác giả đưa độc giả trở về thanh xuân của họ ở ngóc ngách nào đó của Sài Gòn, đó có thể là phòng trà quen tên - nơi vấn vít tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly một thời, con hẻm cà phê cóc mỗi ngày, hay đơn giản là những hàng cây góc phố đã đi qua bao lần. Đằng sau mỗi câu chuyện của tác giả, người đọc có những chiêm nghiệm riêng. Và ẩn sau câu chữ là trăn trở, là ngậm ngùi về bản chất quy luật phát triển: Cuộc sống vội vã đã khiến có lúc người ta đánh mất một phần vẻ đẹp từng là niềm tự hào của TP.

Một người được gọi là "Người Sài Gòn" không phải chỉ là người gốc Sài Gòn, mà bởi danh từ này trở thành thước đo độ am hiểu và tình yêu của một người dành cho TP này. 19 tác giả, có người sống ở Sài Gòn, người ở TP khác, người định cư nước ngoài, nhưng quy cho cùng, tình yêu dành cho TP vẫn vẹn nguyên, tròn đầy. Sách có phần biên khảo cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về kiến trúc, thương mại hay những nhân vật kiệt xuất của TP Hồ Chí Minh ngày ấy. Không có tuổi đời nghìn năm như Hà Nội, nhưng Sài Gòn vẫn có dấu ấn riêng của một TP phát triển năng động, có những biểu tượng và lớp nghĩa văn hóa riêng biệt. Hiểu và yêu TP, sẽ là sự gửi gắm giấc mơ chung về một đô thị phát triển bền vững, sung túc kinh tế và nhân văn.