Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi tuần một sách: Hành trình dài trở về thuở hoa niên

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Lá thư hè” của Alphonse Daudet như những hành trình dài trong tâm tưởng, kéo người đọc trở về với những kỷ niệm khó quên thuở hoa niên.

Nhà văn Pháp Alphonse Daudet (1840 - 1897) là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng. Trong kho tàng tác phẩm của mình, “Lá thư hè” đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam nhờ văn phong giàu chất thơ, tính nhân văn và cảm động. “Lá thư hè” được Alphonse Daudet viết khi về nghỉ tại một cối xay cũ kỹ thuộc xứ Provence miền Nam nước Pháp - vốn là sinh quán của thi sĩ - dưới dạng những lá thư gửi một người bạn làm nghề ký giả tại Paris. Giá trị của tác phẩm đã vượt cả không gian và thời gian nhờ tính chất sâu sắc, châm biếm, thi vị và chứa chan tình cảm, thông qua những nhân vật hết sức thú vị: Vị cha xứ tham ăn, ông già chủ cối xay trọn tình vẹn nghĩa, chàng trai tự tử vì tình, bà chủ nhà trọ cam chịu cho người khác cướp chồng, cặp vợ chồng già nhân hậu...
 
Là văn sĩ kiêm thi sĩ, những tác phẩm của Alphonse Daudet nói chung cũng như tập truyện ngắn “Lá thư hè” nói riêng đều chứa đựng những nét đặc biệt, thơ mộng nhưng không rời xa thực tế, lời văn nhẹ nhàng trong sáng, dễ làm cho người đọc cảm động. Dành thời gian thưởng thức “Lá thư hè” cũng là cách ngắn gọn nhất để hiểu về một trong những đại văn hào Pháp, và thêm nữa là bồi đắp nỗi nhớ tuổi hoa niên vốn lắng đọng đâu đó trong mỗi con người chúng ta. Qua ngòi bút của Daudet, cảnh vật và người của vùng Provence trở nên sống động hơn bao giờ hết, chẳng hạn như thế giới về đêm qua lời kể của chú mục đồng: “Nếu đã từng qua đêm ở ngoài trời, bạn hẳn biết rằng trong lúc chúng ta ngủ, cả một thế giới bí mật hiện ra trong yên lặng và cô tịch. Lúc đó suối hát nghe thanh hơn, hồ ao lóng lánh lửa nhỏ. Các thần núi đi lại tự do; trong không khí có những tiếng sột soạt, những tiếng động rất nhỏ, tưởng chừng như người ta nhìn thấy cành dây dài ra, cỏ mọc cao lên. Ban ngày là đời sống của các sinh vật, nhưng ban đêm là của tĩnh vật...”, hay đơn giản chỉ là “thửa vườn nhỏ, xung quanh trồng hoa hồng bạch” như khu vườn nhà ông Seguin. Tất cả đều trở nên thơ mộng, có tình dưới cách nhìn, cách cảm của Alphonse Daudet.